Nguyên nhân gây viêm VA ở trẻ
VA là tổ chức lympho ở vòm mũi họng, cùng với amidan để thực hiện chức năng bắt giữ các vi sinh vật có hại đi qua mũi hoặc miệng. Viêm VA là bệnh thường gặp ở trẻ từ 1 – 6 tuổi, mỗi năm trẻ nhỏ có thể mắc nhiều đợt viêm VA cấp và trở thành mạn tính. Viêm VA là tình trạng sùi vòm mũi họng do vi khuẩn, virus tấn công khiến người bệnh dễ mắc bệnh đường hô hấp, gây biến chứng lên cơ quan khác, khiến tinh thần, thể chất trẻ bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân gây viêm VA
Từ lúc trẻ chào đời, VA đã hình thành nhưng đến 6 tháng tuổi mới bắt đầu phát triển để làm nhiệm vụ miễn dịch. Do đó trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi rất dễ bị bệnh, nhất là khi thời tiết chuyển mùa lạnh, không khí ẩm sẽ tạo điều kiện để virus phát triển xâm nhập vào vùng họng gây viêm VA.
Biểu hiện của viêm VA
Viêm VA cấp tính: Trẻ bị nghẹt mũi cả 2 bên khiến trẻ thở khó khăn, phải há miệng để thở, khi thở có tiếng khò khè, khụt khịt. Trẻ nhỏ nếu khó thở có thể bỏ bú hoặc bú ngắt quãng. Sau khi ngạt mũi thì trẻ bắt đầu ho do dịch từ mũi chảy xuống họng, hơi thở có mùi hôi. Trẻ biếng ăn, quấy khóc. Một số trẻ còn xuất hiện dấu hiệu rối loạn tiêu hóa như đau bụng, nôn trớ, đi ngoài phân lỏng... Trong các đợt viêm cấp có thể xuất hiện sốt từ 38 - 39 độ C. Thậm chí trẻ có thể nghe kém do tắc vòi nhĩ. Trẻ cần đến bệnh viện sớm để điều trị, tránh để bệnh phát triển thành mạn tính.
Viêm VA mạn tính: Do bệnh VA từ dạng cấp tính tái phát nhiều lần. Lúc này VA bị xơ hóa nên trẻ thường chảy mũi, dịch mũi khi trong khi đục, hay chảy mũi xanh kéo dài. Ngủ không được nên trẻ sẽ quấy khóc, ngủ ngáy và có thể xuất hiện những cơn ngừng thở khi ngủ. Thậm chí trẻ bị biến chứng dẫn đến rối loạn phát triển khối xương mặt.
Trẻ nào cũng có thể mắc viêm VA, tuy nhiên trẻ hay mắc viêm VA là do suy yếu sức đề kháng nên bạch cầu không đủ sức chống lại vi khuẩn xâm chiếm VA. Các gia đình không tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ vì sẽ dẫn đến kháng thuốc, trẻ mắc VA uống thuốc mà không khỏi, khiến bệnh kéo dài hoặc tái đi tái lại. Áp dụng các mẹo chữa VA dân gian, không khoa học sẽ khiến bệnh nặng hơn.
VA vốn tạo ra các chất màng bao bọc nó nên khi trẻ bị bệnh thì màng này sẽ ngăn chặn tác dụng của thuốc. Do đó, việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng kết quả điều trị.
Các gia đình cần chú ý giữ ấm vùng đầu, cổ, ngực, hai bàn chân cho trẻ khi trời lạnh. Giữ vệ sinh môi trường sống, vệ sinh mũi họng cho trẻ, không cho trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm do khói bụi, hóa chất…Cho trẻ đi khám chuyên khoa ngay khi xuất hiện các triệu chứng về tai mũi họng.