Bệnh viêm VA ở trẻ em
VA là tổ chức lympho ở vòm mũi họng, cùng với amidan để thực hiện chức năng bắt giữ các vi sinh vật có hại đi qua mũi hoặc miệng. VA cũng sản sinh ra kháng thể để chống lại vi khuẩn, VA không quan sát được khi mở miệng. VA sẽ ngừng phát triển ở giai đoạn 5-6 tuổi, khi đó VA bớt quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể vì cơ thể đã sản sinh ra một số cơ chế khác. Khi VA bị viêm và quá phát, sưng to sẽ cản trở việc lưu thông không khí và có thể dẫn đến nhiễm khuẩn hô hấp.
Mặc dù có vai trò loại bỏ các vi sinh vật có hại ra khỏi cơ thể, VA có thể bị vi khuẩn tấn công và bị viêm. Viêm VA ở trẻ nhỏ là thường gặp nhất, tuy nhiên cũng có trường hợp người lớn mắc viêm VA. Nếu VA bị viêm cấp tính nhiều lần, VA sẽ bị quá phát và xơ hóa. Tình trạng này được gọi là viêm VA mạn tính với các dấu hiệu chảy nước mũi và ngạt mũi mạn tính.
Biến chứng của viêm VA
Biến chứng ở tai: Trẻ dễ viêm tai giữa, viêm tai ứ mủ, viêm xương chũm cấp do dịch viêm ở mũi lan vào tai thông qua lỗ vòi tai. Trẻ bị biến chứng ở tai sẽ ảnh hưởng đến thính lực, khả năng phát triển ngôn ngữ, học tập.
Biến chứng ở mũi xoang: Viêm tấy tổ chức hốc mắt, viêm thanh quản, khí quản, phế quản, viêm phổi, ngủ ngáy và cơn ngưng thở khi ngủ.
Dị dạng sọ mặt: Trẻ thường xuyên thở bằng miệng nên mũi ít hoạt động hơn. Nếu tình trạng này kéo dài nhiều năm khiến chóp mũi trở nên nhỏ hơn, mũi tẹt, trán dô, mặt dài, hàm trên vẩu, hàm dưới hẹp, không thể khép miệng, vẻ mặt kém lanh lợi do tình trạng thiếu oxy kéo dài. Các dấu hiệu này có thể không xuất hiện đầy đủ khi trẻ mắc bệnh và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp trên khác.
Lời khuyên thầy thuốc
Trường hợp VA bị viêm nhẹ thì không cần phải điều trị bằng thuốc, chỉ cần chăm sóc dinh dưỡng tối đa, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng là trẻ sẽ hết bệnh. Cha mẹ cần thường xuyên rửa mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% rồi xì mũi sạch (nếu trẻ nhỏ thì hút mũi), giữ vệ sinh và ủ ấm cho trẻ.
Trường hợp trẻ bị Viêm VA cấp hoặc nặng thì cần đưa trẻ đến khám chuyên khoa Tai Mũi Họng ngay để được điều trị kịp thời như: Dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng, hạ sốt, giảm đau…
Trường hợp trẻ bị VA nặng, nghẹt mũi hoàn toàn, có thể bị biến chứng thì bác sĩ Tai Mũi Họng có thể can thiệp bằng phẫu thuật nạo VA khi cần thiết.
Để phòng ngừa viêm VA cho trẻ, cha mẹ cần xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể trẻ được bổ sung đầy đủ dưỡng chất, tăng sức đề kháng.
Giữ vệ sinh vùng mũi họng để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập gây ra các bệnh lý tai mũi họng.
Giữ ấm vùng đầu, cổ, ngực, hai bàn chân cho trẻ khi trời lạnh, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển mùa.
Giữ vệ sinh môi trường sống, hạn chế để trẻ tiếp xúc với khói bụi, hóa chất…
Cho trẻ đi khám chuyên khoa khi xuất hiện các triệu chứng tai mũi họng./.