Cách phòng chống bệnh lao phổi
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 09 triệu người mắc bệnh lao, trong đó có 3 triệu người không được điều trị y tế. Các triệu chứng bệnh lao phổi có thể kéo dài trong nhiều tháng và một người bệnh lao phổi có thể lây nhiễm cho 10 - 15 người khác thông qua tiếp xúc gần trong 1 năm.
1.Nguyên nhân gây bệnh lao phổi
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn lao có khả năng kháng lại cồn và axit mà ở nồng độ đó vi khuẩn khác bị tiêu diệt. Vi khuẩn lao tồn tại được nhiều tuần trong đờm, rác ẩm và tối, chết ở nhiệt độ 1000C/5 phút và dễ bị mất khả năng gây bệnh dưới ánh nắng mặt trời.
2.Biểu hiện của bệnh lao phổi
- Ho kéo dài hơn 3 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu).
- Đau ngực, thỉnh thoảng khó thở.
- Cảm thấy mệt mỏi mọi lúc.
- Ra mồ hôi trộm về đêm.
- Sốt nhẹ, ớn lạnh về chiều
- Chán ăn, gầy sút...
3.Đường lây truyền bệnh Bệnh lao phổi
Bệnh lây lan do vi khuẩn lao phát tán ra ngoài khi người mắc lao phổi ho, nói, hắt hơi, khạc nhổ mà vô tình người tiếp xúc gần đó có thể bị hít vào và gây bệnh tại phổi. Từ phổi, vi khuẩn lao có thể qua đường máu hay bạch huyết đến các tạng khác trong cơ thể và gây bệnh tại đó. Nguồn bệnh là những người bệnh lao phổi, lao thanh quản, phế quản trong giai đoạn ho khạc ra vi khuẩn lao. Cứ 1 người bị lao phổi có ho khạc ra vi khuẩn có thể lây cho 10-15 người khác, nhất là trong các quần thể dân cư nhỏ như gia đình, lớp học....
Vi khuẩn lao trong các hạt nước bọt li ti, hoặc trong các hạt bụi nhỏ có đường kính từ 1 đến 5 mm sẽ dễ dàng bị hít vào và gây bệnh tại phổi. Từ phổi, vi khuẩn có thể qua máu, bạch huyết đến các tạng khác trong cơ thể (hạch bạch huyết, xương, gan, thận,...) và gây bệnh tại các cơ quan đó của cơ thể.
Điều kiện thuận lợi gây bệnh lao phổi
- Môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi, ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn lao phát triển và gây bệnh.
- Tiếp xúc với người bệnh lao phổi hoặc các chất thải chứa vi khuẩn lao có thể bị lây nhiễm.
- Sử dụng thực phẩm chứa vi khuẩn lao, ăn vật nuôi bị nhiễm lao cũng có thể bị nhiễm lao.
- Khả năng lây mạnh trong thời gian chưa được điều trị. Nếu không được phát hiện và điều trị, người bệnh sẽ liên tục phát tán vi khuẩn lao trong môi trường họ sống.
4.Yếu tố nguy cơ gây bệnh lao phổi
Lao phổi là bệnh rất thường gặp, có thể ảnh hưởng mọi người trong mọi lứa tuổi.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc lao phổi bao gồm:
- Suy giảm miễn dịch: nhiễm HIV, ung thư...
- Tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt trẻ em
- Bị các bệnh mạn tính: loét dạ dày tá tràng, đái tháo đường, suy thận mãn…
- Nghiện ma túy, rượu, thuốc lá...
- Sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticosteroid, hóa chất điều trị ung thư…
5. Phòng bệnh lao phổi
Để phòng ngừa sự lây lan của bệnh lao phổi có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
- Tiêm phòng bệnh lao phổi: Tiêm BCG cho trẻ em ngay trong tháng đầu sinh ra trong chương trình Tiêm chủng mở rộng để phòng chống lao.
- Sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc khi tiếp xúc với người bệnh lao phổi.
- Che miệng khi hắt hơi, vệ sinh tay đúng cách.
- Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh lao phổi.
- Người bệnh phải đeo khẩu trang, khi ho, hắt hơi phải che miệng, khạc đờm vào chỗ qui định và đờm hoặc các vật chứa nguồn lây phải được hủy đúng phương pháp.
- Tận dụng ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt cho nơi ở và các vật dụng của người bệnh.
- Thực hiện lối sống lành mạnh như: ăn uống hợp lý, ngủ đầy đủ, tập thể dục đều đặn và không sử dụng các chất gây nghiện như ma túy, rượu bia, thuốc lá…
- Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc và khám sức khỏe định kỳ để phòng bệnh lao.