• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người trẻ tuổi ngày càng dễ mắc đái tháo đường type 2

Đái tháo đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa với đặc điểm tăng đường huyết mạn tính, do cơ thể không sản xuất đủ insulin, sử dụng insulin không hiệu quả, hoặc cả hai. Hậu quả lâu dài của bệnh có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến tim, mạch máu, thận, mắt và hệ thần kinh.

Đái tháo đường là căn bệnh thường gặp ở người già và những người có chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh. Tuy nhiên, căn bệnh này đang dần trở nên phổ biến và có thể xảy ra ở trẻ em.

Hiện nay, đái tháo đường được phân thành bốn loại chính:  

Đái tháo đường type 1: Do phá hủy tế bào beta tụy, khiến cơ thể không còn hoặc còn rất ít insulin.  

Đái tháo đường type 2: Chiếm 90-95% các trường hợp, xảy ra do giảm chức năng tế bào beta tụy trên nền đề kháng insulin, thường gặp ở người thừa cân, béo phì.  

Đái tháo đường thai kỳ: Xuất hiện trong thời gian mang thai.  

Đái tháo đường do nguyên nhân khác: Bao gồm các trường hợp do thuốc hoặc hóa chất.  

Trong đó, đái tháo đường type 2 trước đây thường gặp ở người lớn tuổi nhưng nay đang có xu hướng trẻ hóa, bệnh ngày càng phức tạp hơn và trở thành mối lo ngại lớn về sức khỏe cộng đồng. Theo thống kê, khoảng 70% các trường hợp đái tháo đường type 2 có thể được dự phòng hoặc làm chậm tiến triển bệnh thông qua lối sống lành mạnh, bao gồm dinh dưỡng hợp lý và luyện tập thể dục đều đặn.  

 Ai có nguy cơ mắc Đái tháo đường Type 2?

- Người từ 45 tuổi trở lên.  

- Chế độ ăn không lành mạnh, nhiều thực phẩm chế biến sẵn hoặc chứa đường cao.  

- Ít vận động thể lực (dưới 30 phút/ngày, dưới 5 ngày/tuần).  

- Thừa cân, béo phì, béo bụng.  

- Hút thuốc lá hoặc sử dụng thuốc lào.  

- Người mắc các bệnh như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc tiền đái tháo đường.  

- Có tiền sử gia đình (bố, mẹ, anh, chị em ruột) mắc đái tháo đường type 2.  

- Phụ nữ bị buồng trứng đa nang hoặc từng mắc đái tháo đường thai kỳ.  

Phát hiện sớm và phòng ngừa Đái tháo đường

Người thuộc nhóm nguy cơ nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm máu ít nhất một lần mỗi năm để phát hiện bệnh sớm. Đồng thời, cần duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm:  

- Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia.  

- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý.  

- Tăng cường vận động thể lực.  

Những biện pháp này không chỉ bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn mang lại lợi ích cho gia đình và cộng đồng./.


Tác giả: Thuý Liễu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết