• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ghi nhận chùm ca bệnh Thuỷ đậu tại huyện Vũ Thư

Trong tuần qua, trên địa bàn huyện Vũ Thư đã ghi nhận nhận chùm ca bệnh Thủy đậu tại trường Tiểu học &THCS xã Tự Tân. Các ca bệnh đều có biểu hiện nhẹ, được cách ly, chăm sóc, theo dõi sức khoẻ tại gia đình. Hiện tại ổ dịch cơ bản được kiểm soát, không bùng phát rộng tại cộng đồng.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Thủy đậu, ngành Y tế yêu cầu các xã, thị trấn, các đơn vị trường học tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh, kịp thời ứng phó và xử lý không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Tổ chức làm tốt công tác vệ sinh môi trường lớp học, vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm báo cáo kịp thời các ca nghi nhiễm mắc bệnh truyền nhiễm để có biện pháp xử trí, điều trị kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Bệnh Thủy đậu là bệnh do virus Varicella-zoster gây ra, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ai cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh, trong đó trẻ em dễ mắc bệnh nhất. Khi mắc thủy đậu trẻ sẽ rất ngứa và khó chịu, tổn thương nhiều ở da, đặc biệt là vùng miệng làm trẻ khó ăn, khiến cha mẹ rất lo lắng.

Đường lây truyền của bệnh là: Lây trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với nguồn bệnh như: Nói chuyện, hắt hơi, sổ mũi, ho…; lây gián tiếp qua việc dùng chung đồ sinh hoạt hằng ngày với người bệnh.

Bệnh thường có triệu chứng xuất hiện từ 7 - 21 ngày sau khi nhiễm virus, bao gồm sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn…

Đặc biệt, bệnh Thuỷ đậu có thể gây những biến chứng nặng nề nếu không biết cách chăm sóc, điều trị như: viêm phổi, viêm não; đặc biệt, di chứng sau đó có thể kèm theo như: điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động…Với trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc thủy đậu khi mang thai có thể mắc phải các dị tật bẩm sinh. Bệnh thủy đậu ở người lớn đôi khi còn nặng nề hơn ở trẻ em và có thể biến chứng thành Zona thần kinh...

Hiện bệnh thủy đậu vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu, việc điều trị bệnh thường tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng, giữ bệnh nhân không bị mất nước, không bị nhiễm trùng nốt phỏng...

Ngành Y tế khuyến cáo, hiện tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất, người dân cần đưa trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên tiêm vắc xin phòng bệnh.

Vắc xin thủy đậu được khuyến cáo tiêm như sau:

- Trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, tiêm 1 liều và liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4 – 6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh.

  - Trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều, cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.

Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện các biện pháp để tránh lây nhiễm bệnh như: Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh, với những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày để tránh lây lan trong cộng đồng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, trường học.

Khi cha mẹ thấy trẻ có những biểu hiện như: Sốt, mẩn nốt, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang cũng là biện pháp hiệu quả trong phòng bệnh thủy đậu./.


Tác giả: Hoàng Thía- Vũ Khuyên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết