• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày Sức khỏe Thế giới 2020: Tầm quan trọng của dinh dưỡng và rèn luyện thể dục trong phòng, chống Covid-19

            Cứ vào mỗi dịp 7/4 hàng năm, Tổ chức Y tế Thế giới sẽ hỗ trợ quốc gia thành viên kỷ niệm Ngày Sức khỏe Thế giới nhằm để lan tỏa thông tin và nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe đối với mỗi chúng ta. Ở cấp độ toàn cầu, mỗi năm ngày sức khỏe thế giới lại chú trọng vào một chủ đề khác nhau. Ngày sức khỏe Thế giới 07/4/2020, diễn biến dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, bên cạnh việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 thì mỗi người dân cần tự bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của mình để phòng, chống sự xâm nhập của các loại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng… vào cơ thể, giữ cho cơ thể khỏe mạnh.

 

              Vậy chúng ta cần phải làm gì để nâng cao sức đề kháng? Dinh dưỡng và rèn luyện tập thể dục thường xuyên có phải là giải pháp tối ưu nhất trong vấn đề này không? Các bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu: “Tầm quan trọng của dinh dưỡng và rèn luyện tập thể dục trong phòng, chống Covid-19”.

Tính đến thời điểm này, chúng ta đã phải trải qua ngày thứ 07/15 thực hiện biện pháp cách ly toàn xã hội, nhiều người dân thực sự lúng túng trong việc bổ sung dinh dưỡng và rèn luyện sức khỏe sao cho hợp lý vừa đủ dinh dưỡng mà lại không bị béo phì, nâng cao được sức đề kháng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Do đó, khẩu hiệu "duy trì thói quen ăn uống lành mạnh không khó trong mùa dịch Covid-19" bằng cách giới thiệu những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống hàng ngày, bạn có thể tạo ra một tác động lớn đến sức khỏe.

          Cần ăn đa dạng và cân bằng thực phẩm

         Theo các nhà chuyên gia thì bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm virus Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, thì việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì lối sống lành mạnh giúp nâng cao miễn dịch, và phòng chống dịch bệnh. Trong đó chế độ ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ các yếu tố đa lượng và vi lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chức năng hệ miễn dịch, có thể giúp giảm nguy cơ mắc cũng như rút ngắn thời gian điều trị bệnh.

          Để cung cấp đủ năng lượng qua các bữa ăn hằng ngày, ngoài việc bổ sung thực phẩm nhiều đạm (protein) trong 3 bữa chính, cần ăn thêm bữa phụ giữa giờ (sữa, sữa chua, hoa quả, đậu/đỗ/hạt ngũ cốc rang/sấy). Bởi đạm có vai trò rất quan trọng, giúp cơ thể duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và giúp nhanh lành bệnh. Bên cạnh đó, việc bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất có tác dụng tăng cường miễn dịch trong bữa ăn hằng ngày. Bổ sung các loại thực phẩm nhiều Vitamin A và Omega-3 (như cá và các loại hải sản) vì nó đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch đường hô hấp, nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần, có thể dùng viên dầu cá uống bổ sung hằng ngày. Ngoài ra các loại hải sản còn là nguồn cung cấp kẽm rất tốt cho hệ miễn dịch của cơ thể. Nghiên cứu cho thấy bổ sung kẽm có tác dụng phòng bệnh nhiễm trùng đặc biệt là viêm phổi ở người cao tuổi. Do vậy, người dân nên ăn nhiều hơn thực phẩm giàu Vitamin A và Caroten có nguồn gốc động vật, thực vật (gan, trứng, khoai lang, bí ngô, cà rốt, đu đủ, xoài, bông cải/xúp lơ...). Bổ sung nhiều hơn các loại rau xanh và hoa quả nhiều Vitamin C (cam, bưởi, ổi...), các loại thực phẩm chứa nhiều kẽm (đậu, đỗ, hạt hạnh nhân, thịt heo, thịt bò, hàu, sò...) và những thực phẩm nhiều Selen (trứng, nấm, tôm, đậu đỗ, ngũ cốc, thịt heo bò...).

             Bổ sung các vi chất và uống nước đúng cách

           Theo lời khuyên của các chuyên gia người dân nên tăng cường sử dụng hành, tỏi, gừng, sả, chanh, và các loại rau thơm nhiều hóa thực vật và tinh dầu (bạc hà, kinh giới, tía tô...) trong các bữa ăn hằng ngày vì những thực phẩm này có tính kháng khuẩn cao. Có thể uống viên tinh dầu tỏi hoặc 1-2 nhánh tỏi tươi, nước gừng ấm, nước chanh sả ấm. Bổ sung các chế phẩm dinh dưỡng đặc trị tăng cường sức khỏe giàu năng lượng và đạm. Những người cao tuổi, trẻ nhỏ, những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, người thiếu cân hoặc suy dinh dưỡng nên bổ sung các chế phẩm dinh dưỡng giàu năng lượng và đạm, ví dụ sữa nước hoặc sữa bột tùy theo độ tuổi và bệnh lý nếu có. Mỗi ngày bổ sung không quá 500 calo, tương đương 2 cốc sữa. Bổ sung các loại Vitamin tổng hợp, khoáng chất và dầu cá. Chế độ ăn đầy đủ vẫn là phương pháp hữu hiệu trong việc cung cấp các vitamin và khoáng chất trên.Trong trường hợp chế độ ăn không đầy đủ, có thể xem xét uống bổ sung thuốc đa sinh tố chứa Vitamin A, Vitamin C, Vitamin D, kẽm (Zn), và Selenium (Se). Đây là các chất giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19.

            Việc bổ sung những thực phẩm giàu dinh dưỡng và uống nhiều nước giúp cung cấp các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể và giúp cơ thể không bị thiếu nước, giúp dự phòng nhiễm cũng như đẩy nhanh quá trình hồi phục. Tuyệt đối không nên để miệng và cổ khô, cần uống nước (tốt nhất là nước ấm) từng ngụm nhỏ, uống chậm, uống nhiều lần trong ngày, uống ngay cả khi không khát, đảm bảo mỗi ngày uống không dưới 1.500ml nước ấm. Không nên uống nước ngọt thay cho nước lọc. Hạn chế bia, rượu, cà phê vì có tác dụng lợi tiểu làm tăng tốc độ mất nước qua thận. Một số đối tượng như trẻ em và người cao tuổi cần bổ sung nước thường xuyên chứ không đợi cảm giác khát. Không ăn kiêng, hãy ăn đa dạng nhiều thực phẩm. Để phòng, chống dịch Covid-19 cần ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, rửa tay trước khi ăn, trước và sau khi chế biến đồ ăn. Nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, màu sắc và dinh dưỡng phong phú. Cố gắng đưa vào bữa ăn không dưới 15 loại thực phẩm mỗi ngày, kể cả gia vị. Hạn chế đồ dầu mỡ, đồ chiên rán, đồ ngọt. Bởi những thực phẩm này cung cấp nhiều năng lượng, nhưng gây đầy bụng khó tiêu, không cung cấp đủ đạm và các vitamin cơ thể cần cho hệ miễn dịch.

           Tập thể dục

           Vận động 30-60 phút mỗi ngày tùy theo độ tuổi giúp cơ thể lưu thông khí huyết, giúp đào thải các chất độc trong cơ thể ra bên ngoài. Bạn có thể lựa chọn những môn thể thao yêu thích, phù hợp với bản thân để nâng cao sức khỏe như: tập yoga, chạy bộ, cầu lông...

           Giữ vệ sinh cá nhân

           Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thực hiện đúng 6 bước rửa tay đúng cách sẽ góp phần đẩy lùi Covid-19. Mỗi người cần trang bị trong nhà những sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn, nước rửa tay khô để đôi tay luôn sạch sẽ, tránh các loại vi khuẩn gây bệnh.

         Nhân ngày sức khỏe Thế giới 07/4/2020, hy vọng rằng với những kiến thức bổ ích trên sẽ giúp các bạn nâng cao được sức khỏe, bảo vệ được bản thân phòng, chống được dịch bệnh Covid-19.

          Một số khẩu hiệu Ngày Sức khỏe Thế giới 07/4/2020:

  • "Ăn uống, nghỉ ngơi điều độ và sống có ích"
  • "Sức khỏe là chìa khóa dẫn tới thịnh vượng"
  • "Mục tiêu sức khỏe tốt và sống đúng nghĩa"
  • "Ưu tiên sức khỏe chứ không phải tiền bạc",...

 

                                                        Thanh Tâm


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết