• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh Dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cần đến cơ sở y tế khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 29 ca tử vong do bệnh Dại tại 17 tỉnh, thành phố, tăng gấp 02 lần so với cùng kỳ năm 2023. Các trường hợp bị cắn phần lớn là do vật nuôi trong gia đình, sau đó không chú ý tiêm phòng dẫn đến lên cơn Dại và tử vong. Sở Y tế Thái Bình chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn.

Trong thời gian qua, do nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh Dại, nhiều người không may bị chó cắn, mèo cắn/cào đã chủ động tìm đến phòng tiêm chủng vắc xin để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh kịp thời. Từ đầu năm 2024 đến nay, riêng phòng tiêm chủng vắc xin của Trung tâm KSBT tỉnh đã tiếp nhận 350 trường hợp đến tư vấn, xử trí vết thương do chó, mèo cào cắn, trong đó 115 trường hợp phải tiêm huyết thanh Dại, số liều vắc xin phòng Dại đã sử dụng là hơn 1.400 liều và số liều huyết thanh kháng Dại là 248 liều. 

Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm do virus Dại lây từ chó mèo hoặc vật nuôi sang người thông qua vết cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc với vết thương hở. Virus bệnh dại khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công vào hệ thần kinh trung ương, phá hủy não và cuối cùng dẫn đến tử vong. Thời gian ủ bệnh Dại ở người phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, khoảng cách từ vết thương đến các dây thần kinh trung ương, thường kéo dài từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, thậm chí nhiều người nhiều năm sau khi bị cắn mới phát bệnh dại. Vết cắn càng nặng và gần cơ quan thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh càng ngắn, nguy cơ tử vong càng cao.

Thời gian sắp tới là giai đoạn cao điểm mùa nắng nóng, hay còn có thể được gọi là “mùa bệnh Dại” vì nguy cơ tiếp xúc với các mầm gây bệnh tăng cao. Vào mùa hè, các hoạt động vui chơi ngoài trời gia tăng, các loài động vật cũng có xu hướng hoạt động nhiều hơn và các gia đình cũng tổ chức đi du lịch ở nhiều địa phương khác nhau. Tất cả những điều này đều tăng nguy cơ phơi nhiễm bệnh Dại. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh Dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế. Hiện nay, bệnh Dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, 100% người mắc bệnh Dại sẽ tử vong khi đã xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: cho chó, mèo nuôi tiêm vắc xin phòng Dại đầy đủ và tiêm nhắc hàng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y, chó nuôi phải được xích, nhốt và khi ra đường phải mang rọ mõm. Bệnh Dại có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Vắc xin phòng dại không gây hại cho người tiêm. Vắc xin phòng dại được sản xuất từ vi rút dại đã bất hoạt do đó không có khả năng gây bệnh, không ảnh hưởng đến trí nhớ và các vấn đề thần kinh khác. Bộ Y tế khuyến cáo người dân đừng ngần ngại, hay do dự tiêm vắc xin phòng dại khi bị chó hoặc động vật cắn. Hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, xử trí kịp thời.

Khi bị chó, mèo cắn, dù chó nhà cắn tại thời điểm chó đang bình thường thì người dân vẫn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương; kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng Dại, huyết thanh kháng Dại theo chỉ định của bác sĩ./.


Tác giả: Vũ Khuyên
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết