• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam, mỗi năm có khoảng 20.000 người nhiễm bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo

Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, các bệnh ký sinh trùng có tỷ lệ nhiễm, lưu hành cao ở một số vùng, gây tác hại lớn đến sức khỏe, tuy nhiên các bệnh ký sinh trùng thường có biểu hiện lâm sàng nhẹ nên chưa được người dân và xã hội quan tâm, đến khi bệnh mức độ nặng mới tới khám tại cơ sở y tế.

Bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo là bệnh ký sinh trùng mới nổi trong những năm gần đây do thói quen nuôi thú cưng tăng lên ở giới trẻ. Bệnh gây ra các tổn thương ở gan, ở não, ở lách, thận và gây ra hiện tượng miễn dịch dị ứng, ngứa, nổi mẩn kéo dài.

Mỗi năm có khoảng 20.000 người nhiễm bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo được phát hiện và điều trị ở tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc. Đa số bệnh giun sán ở người có nguồn góc từ thú nuôi là chó, mèo và thú hoang dã. Triệu chứng của bệnh giun sán chó, mèo rất giống với nhiều bệnh da liễu khác nên đôi khi chẩn đoán nhầm

 

Cùng đó, bệnh sán dây ấu trùng sán lợn gặp rải rác ở 60/63 tỉnh, thành phố, mỗi năm có khoảng 10.000-11.000 bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị trên toàn quốc. Bệnh gây ra các tổn thương và triệu chứng tại hệ thần kinh trung ương, tại mắt, cơ vân, cơ tim, gan thận.

Ngoài ra, các bệnh ấu trùng giun đầu gai, bệnh giun lươn, giun xoắn, giun rồng, bệnh do nấm, đơn bào … ngày càng gặp nhiều gây ra các tổn thương tại gan, não, phổi, thận, đường tiêu hoá, gây ảnh hưởng cấp tính và lâu dài đến sức khỏe của người dân, tác động xấu và gây ra những gánh nặng bệnh tật rất lớn tại cộng đồng. Song, nhiều người bị nhiễm giun đũa, giun móc từ chó, mèo thường tới viện trong tình trạng bị ngứa dữ dội, tổn thương, nhiễm trùng trên da đã nhiều năm. 

Thông thường, người bị nhiễm giun đũa thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nếu chỉ bị nhiễm trùng nhẹ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, nhiễm trùng nặng, giun đũa tấn vào phổi và ruột rất nguy hiểm. Trứng giun khi được nuốt vào đến ruột non sẽ phóng thích ấu trùng. Ấu trùng sẽ di chuyển qua đường máu hoặc hệ thống bạch huyết vào phổi. Do đó, người bệnh có thể sẽ gặp các dấu hiệu tương tự như bệnh hen suyễn hoặc bệnh viêm phổi như: Ho dai dẳng, thở gấp, khó thở, thở khò khè, mệt mỏi, đau bụng, đau dạ dày, giảm cân, buồn nôn, tiêu chảy, phân có máu, phân có giun, suy dinh dưỡng, ruột tắc nghẽn.

Bệnh giun đũa không phải bệnh truyền nhiễm nên không lây trực tiếp từ người này qua người khác. Người nhiễm giun đũa thường do tiếp xúc với đất có lẫn phân người hay động vật có chứa trứng giun đũa, hoặc nguồn nước, thực phẩm có chứa trứng giun.

Để phòng nhiễm bệnh giun sán, người dân cần ăn chín, uống sôi, không ăn đồ tái sống. Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên ăn ngủ chung, ôm hôn chó mèo. Nên vệ sinh sạch sẽ cho chó mèo và các bát đựng thức ăn, chất thải của chó, mèo nên xử lý và vệ sinh sạch sẽ.

Với người nuôi thú cưng, cần tẩy sạch giun cho vật nuôi chó mèo định kỳ 3-6 tháng/lần; bên cạnh đó, không để phân chó mèo phát tán ra môi trường, bởi đây là nguồn chứa trứng giun đũa. Nếu vệ sinh không sạch sẽ, người nuôi rất dễ nhiễm trứng giun. Bên cạnh đó, cần tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, không thả rông chó mèo, chó mèo phải được rọ mõm khi ra nơi công cộng./.


Tác giả: Vũ Khuyên
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB