Gói dịch vụ được cung cấp trong chương trình Prep
Các cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP có các hoạt động kết nối với cộng đồng người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV (đặc biệt là nhóm MSM, nhóm TW, nhóm bị bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhóm TCMT, nhóm phụ nữ bán dâm...) và cơ quan đầu mối chương trình phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn để bảo đảm việc cung cấp dịch vụ PrEP hiệu quả, khách hàng nhận được gói dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS toàn diện và giúp theo dõi, đánh giá chương trình.
Gói dịch vụ điều trị PrEP bao gồm:
- Tư vấn xét nghiệm HIV cho đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV;
- Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP);
- Hỗ trợ tuân thủ điều trị PrEP và duy trì điều trị PrEP;
- Sàng lọc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp (Lậu, giang mai, Chlamydia) và kết nối điều trị;
- Sàng lọc viêm gan B, C và kết nối điều trị;
- Cung cấp các vật dụng can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn (kết hợp với chương trình can thiệp giảm hại);
Các dịch vụ được cung cấp thân thiện và hướng tới sự hài lòng của khách hàng, Có truyền thông huy động cộng đồng và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử trong nhóm khách hàng dùng PrEP.
Mô hình cung cấp dịch vụ:
Đa dạng hóa các loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ PrEP phù hợp từ trung ương đến địa phương như bệnh viện; phòng khám đa khoa; phòng khám chuyên khoa; phòng khám điều trị HIV/AIDS; phòng khám tư vấn và điều trị dự phòng; cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà; trạm xá, trạm y tế cấp xã; cơ sở y tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức,...
Khuyến khích các cở sở y tế tư nhân trong cung cấp dịch vụ PrEP. Khi các cơ sở y tế tư nhân nhận hỗ trợ từ các chương trình dự án tài trợ để cung cấp dịch vụ PrEP miễn phí, cần có bản cam kết với cơ quan y tế đầu mối triển khai chương trình, dự án tại địa phương để bảo đảm các dịch vụ PrEP triển khai miễn phí theo đúng quy định của nhà tài trợ và các quy định pháp luật của Việt Nam.
BS Phạm Minh Quang