• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chỉ thị số 23 của Bộ Y tế: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân

Trong những tháng mùa Đông - xuân cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh có nguy cơ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, bệnh COVID-19 chưa có vắc xin dự phòng, cùng với nhiều yếu tố bất lợi (hiện vẫn đang trong mùa mưa khu vực miền Nam, thời tiết lạnh, ẩm khu vực miền Bắc, ngập lụt khu vực miền Trung, thay đổi bất thường về khí hậu, quá trình đô thị hóa, sự gia tăng giao lưu đi lại,...) tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát, đặc biệt là các bệnh như COVID-19, Sởi, Rubella, Bạch hầu, Ho gà, Sốt xuất huyết, Tay - Chân - Miệng,...Để chủ động và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong mùa Đông - Xuân, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong do bệnh truyền nhiễm, ngày 22/10/2020, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-BYT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân.

Khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình đăng tải toàn bộ nội dung Chỉ thị số 23 như sau:

 

BỘ Y TẾ

______

Số: 23/CT-BYT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________________

Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2020

 

                                                       

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân

_______________

 

Hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục bùng phát; bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh MERS-CoV và một số bệnh lưu hành như bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh sởi, bệnh bạch hầu vẫn gia tăng tại nhiều quốc gia; các chủng cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ bùng phát và xâm nhập vào nước ta. Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đã và đang được kiểm soát tốt, trong nhiều ngày qua không ghi nhận trường hợp mắc tại cộng đồng, song nguy cơ ghi nhận ca bệnh mới vẫn hiện hữu; đa số bệnh truyền nhiễm lưu hành có xu hướng giảm nhưng vẫn có số mắc cao, gia tăng cục bộ, ghi nhận các ổ dịch tại một số địa phương hoặc có số tử vong cao như bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh bạch hâu, bệnh dại; các ổ dịch cúm trên gia cầm vẫn ghi nhận rải rác tại một số tỉnh, thành phố.

Trong những tháng mùa đông xuân cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh có nguy cơ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, bệnh COVID-19 chưa có vắc xin dự phòng, cùng với nhiều yếu tố bất lợi (hiện vẫn đang trong mùa mưa khu vực miền Nam, thời tiết lạnh ẩm khu vực miền Bắc, ngập lụt khu vực miền Trung, thay đổi bất thường về khí hậu, quá trình đô thị hoá, sự gia tăng giao lưu đi lại...) tạo điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát, đặc biệt là các bệnh như COVID-19, sởi, rubella, bạch hầu, ho gà, sốt xuất huyết, tay chân miệng.... Để chủ động và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong mùa đông xuân, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị:

1. Sở Y tế các tỉnh, thành phố

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh, thành phố; đồng thời đề xuất để Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo.

- Tiếp tục tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các địa phương, các Sở, ngành duy trì triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế với quan điểm không chủ quan, lơ là, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; duy trì và thực hiện hiệu quả của tổ phòng chống dịch COVID tại cộng đồng.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, đặc biệt là bệnh COVID-19, MERS-CoV, cúm A(H7N9), bệnh cúm A(H5N1), A(H5N6), chú trọng triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại, các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp (bạch hầu, sởi, rubella...) và các bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết...), xử lý triệt để các ổ dịch, khoanh vùng, không để bùng phát lan rộng.

- Tiếp tục tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy quy mô lớn tại các tỉnh, thành phố; duy trì hoạt động diệt bọ gậy (hàng tuần tại khu vực có nguy cơ cao, hàng tháng tại khu vực khác), phun hóa chất chủ động khu vực nguy cơ cao.

- Tăng cường triển khai hoạt động tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng dịch vụ, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt 95% trên quy mô cấp xã; thực hiện tiêm chủng an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19, xử lý kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch tiêm chủng thường xuyên và tiêm bổ sung đã được Bộ Y tế phê duyệt.

- Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thường trực cấp cứu, phân loại sàng lọc bệnh, phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly, thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

- Tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mùa đông xuân, thông điệp 5K phòng chống COVID-19 (gồm Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) đến từng hộ gia đình, cộng đồng với các hình thức và ngôn ngữ phù hợp với từng địa phương.

- Phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là phòng chống COVID-19; thực hiện vệ sinh thường xuyên trường học; bố trí đủ xà phòng, nước sạch; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo kịp thời cho cơ quan y tế địa phương.

- Phối hợp ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công thương, Công an, Quân đội và đơn vị liên quan trong việc giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch ở động vật, đặc biệt là cúm ở gia cầm; phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

2. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur

- Thường xuyên đánh giá, phân tích dịch tễ, nguy cơ bùng phát dịch đối với từng bệnh truyền nhiễm và dự báo diễn biến tình hình dịch để tham mưu, đề xuất giải pháp phòng chống dịch đối với từng khu vực, từng tỉnh, thành phố.

- Tổ chức và duy trì các đội đáp ứng nhanh, hỗ trợ địa phương giám sát dịch bệnh, khoanh vùng, xử lý ổ dịch, xét nghiệm hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực xét nghiệm cho các đơn vị, địa phương.

- Giám sát, hỗ trợ địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động phòng chống dịch COVID-19; chiến dịch diệt bọ gậy, phun hóa chất xử lý ổ dịch và phun chủ động tại các điểm nguy cơ cao; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch, kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin; rà soát, thống kê đối tượng tiêm chủng.

3. Các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế

- Tổ chức tốt việc việc phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly, cấp cứu, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đặc biệt là các khoa có nguy cơ cao lây nhiễm như hồi sức cấp cứu, thận nhân tạo, truyền nhiễm. Tổ chức tuyên truyền cho người bệnh, người chăm sóc về các biện pháp phòng bệnh, phòng lây nhiễm tại cơ sở y tế.

- Sẵn sàng các đội cấp cứu cơ động của bệnh viện để kịp thời hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới khi có yêu cầu. Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới, đặc biệt là hỗ trợ trong công tác tập huấn về chẩn đoán, phân loại bệnh, điều trị, cách ly, phòng chống lây nhiễm chéo.

4. Cục Y tế dự phòng

- Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về công tác giám sát và phòng chống dịch bệnh đặc biệt là COVID-19, bệnh dại, bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, bệnh bạch hầu và các bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân.

- Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các địa phương, đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng của hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, cách ly kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm và triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch.

- Chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng, các chiến dịch tiêm chủng chống dịch, chiến dịch tiêm chủng bổ sung và đẩy mạnh tiêm chủng dịch vụ.

5. Cục Quản lý khám, chữa bệnh

- Tiếp tục chỉ đạo hiệu quả công tác thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19; thực hiện phân tuyến điều trị bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, bảo đảm tốt việc thu dung, cách ly, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, phòng chống lây nhiễm chéo, xây dựng phương án mở rộng điều trị khi dịch bệnh lan rộng.

- Chỉ đạo xây dựng phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hoá chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng đáp ứng phòng chống dịch bệnh.

6. Cục Quản lý Môi trường y tế

Chỉ đạo các địa phương triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, tăng cường vệ sinh cá nhân; giám sát chất lượng nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt và các công trình vệ sinh tại hộ gia đình.

7. Cục Quản lý dược

Chỉ đạo các bệnh viện, công ty dược phẩm tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc phục vụ phòng chống bệnh dịch và chữa bệnh để đảm bảo cung ứng đủ thuốc, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị, tăng giá đột biến, tăng giá hàng loạt.

8. Vụ Truyền thông và thi đua, khen thưởng

- Xây dựng kế hoạch tổng thể truyền thông phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin và truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và cộng đồng.

- Chỉ đạo tăng cường các hoạt động tuyên truyền với ngôn ngữ phù hợp tại từng địa phương về nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm thường gặp mùa đông xuân, các biện pháp phòng chống và tiêm vắc xin phòng bệnh.

9. Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương

Biên soạn, sản xuất các loại tài liệu truyền thông phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân; tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, bảo đảm an toàn thực phẩm và vận động người dân tham gia tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi tiêm.

10. Vụ Kế hoạch - Tài chính

Tổng hợp nhu cầu và đề xuất phân bổ kinh phí phòng, chống dịch bệnh cho các Vụ, Cục, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế. Hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện các chế độ phụ cấp đặc thù và chế độ phụ cấp chống dịch đảm bảo đúng qui định.

Nhận được Chỉ thị này, Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố triển khai ngay các hoạt động trên, định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện và báo cáo đột xuất về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng).

 

Nơi nhận:

- PTTg Vũ Đức Đam (để báo cáo);

- Văn phòng Trung ương Đảng (để báo cáo);

- Văn phòng Chủ tịch nước (để báo cáo);

- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);

- Đ/c Quyền Bộ trưởng (để báo cáo);

- Các Đ/c Thứ trưởng Bộ Y tế;

- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Các Vụ, Cục: YTDP, QLKCB, TT-TĐKT;

- Các đơn vị trực thuộc Bộ;

- Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- Trung tâm KSBT, YTDP tỉnh, thành phố;

- Lưu: VT, DP.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

 

 

Đỗ Xuân Tuyên

 

 

 

 

 


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết