• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống Sốt xuất huyết

          Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận trên 70.000 trường hợp mắc Sốt xuất huyết, 07 ca  tử vong. So với cùng kỳ năm 2019 số mắc giảm 65,6%, tử vong giảm 32 trường hợp. Tuy nhiên theo diễn biến chu kỳ dịch hàng năm, thời điểm hiện tại đang là mùa mưa số mắc có xu hướng gia tăng. Với phương châm coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch ngay từ đầu năm. Tại Thái Bình, tính đến ngày 25/9, toàn tỉnh cũng đã ghi nhận 49 ca mắc Sốt xuất huyết(SXH), trong đó có 28 ca nội sinh, Thành phố có số ca mắc nhiều nhất.

          Không chỉ ở Thành phố (11 ca), 7 huyện trên địa bàn tỉnh cũng đã ghi nhận có ca mắc sốt xuất huyết nội sinh. Qua điều tra và giám sát côn trùng tại 30 hộ dân ở các khu vực có bệnh nhân đều cho thấy, số nhà có muỗi Aedes albopictus, tỷ lệ dụng cụ chứa nước có bọ gậy, chỉ số nhà có bọ gậy đều vượt giới hạn cho phép. Nguyên nhân là do điều kiện vệ sinh môi trường và việc xử lý môi trường trong cộng đồng dân cư chưa triệt để, nhiều hộ gia đình chưa chủ động, tự giác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, đặc điểm thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sự phát sinh, phát triển của côn trùng truyền bệnh SXH.

          Để phòng, chống dịch, nhiều biện pháp đã được triển khai như: tuyên truyền nhân dân tăng cường diệt lăng quăng, bọ gậy nhằm diệt nguồn trung gian truyền bệnh; vận động cộng đồng, cơ sở doanh nghiệp thực hiện vệ sinh môi trường; phun hóa chất trong bán kính 200m ở khu vực có bệnh nhân mắc SXH... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai phòng, chống dịch vẫn còn một số khó khăn là nhiều gia đình còn chủ quan, chưa nhận thức hết sự nguy hiểm của dịch bệnh nên chưa tích cực phối hợp phòng, chống dịch.Trong thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết, nêu rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc vệ sinh môi trường để triệt nguồn phát sinh bọ gậy, tránh tư tưởng trông chờ, lệ thuộc vào việc phun hóa chất diệt muỗi của ngành Y tế. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức giám sát người bệnh, côn trùng, môi trường; phân tích, đánh giá, báo cáo, tham mưu chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch; tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các tuyến xử lý ca bệnh, ổ dịch; có kế hoạch trong trường hợp dịch có nguy cơ bùng phát; bố trí cán bộ, đội cơ động triển khai, đáp ứng nhanh với các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

          Theo các chuyên gia y tế, những tháng cuối năm điều kiện thời tiết thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển, do đó các địa phương cần có những giải pháp chủ động phòng, chống dịch, chỉ đạo kiên quyết với mục tiêu quyết tâm kiểm soát,  giảm số ca mắc SXH và không để tử vong xảy ra. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh SXH tại địa phương cùng với phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác theo chỉ đạo của Bộ Y tế.       

                  Hoàng Thía

 


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB