• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Trong thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ ngành, các địa phương và của mọi người dân, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bước đầu được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, theo nhận định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tình hình dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp, các cấp, các ngành, các địa phương và nhất là người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.

Hiện nay, biện pháp cách ly xã hội đã từng bước được nới lỏng và các hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ dần hoạt động trở lại. Vì vậy, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong điều kiện tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục An toàn Thực phẩm đã ban hành Công văn số 965/ATTP-NĐTT ngày 23/4/2020 đề nghị Sở Y tế, Ban quản lý An toàn Thực phẩm các tỉnh, thành phố cần nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung về an toàn thực phẩm trong phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và người kinh doanh thức ăn đường phố yêu cầu thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Người chế biến thức ăn, phục vụ ăn uống phải đeo khẩu trang khi chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, giữ khoảng cách tiếp xúc giữa nhân viên chế biến, phục vụ và người sử dụng thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Những người có ít nhất một trong các triệu chứng như: ho, sốt, khó thở,… không được bố trí làm việc tại cơ sở. Khu vực chế biến thức ăn phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch, xà phòng để rửa tay và có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn bàn tay cho người sơ chế biến thực phẩm. Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp, túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định. Khu vực phòng ăn phải bố trí đủ bàn ghế và khoảng cách theo đúng quy định. Có đủ thùng đựng rác thải, có nắp đậy và có lót túi. Thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định. Cơ quan quản lý cần phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm theo các tiêu chí nêu trên và các quy định pháp luật có liên quan, nếu cơ sở nào vi phạm yêu cầu xử lý nghiêm. Có như vậy thì công tác an toàn thực phẩm trong mùa dịch COVID-19 mới được thực hiện có hiệu quả, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19 ra khỏi cộng đồng./.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết