Công văn số 551/SYT-NVY của Sở Y tế Thái Bình: Tăng cường công tác điều trị bệnh Tay - Chân - Miệng
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại Văn bản số 332/KCB-NV ngày 31/3/2021 về việc tăng cường công tác điều trị bệnh Tay - Chân - Miệng (TCM); Để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh TCM trên địa bàn tỉnh, hạn chế tối đa nguy cơ tử vong và các biến chứng của bệnh, ngày 05/4/2021, Sở Y tế Thái Bình đã có Công văn số 551/SYT-NVY về việc tăng cường công tác điều trị bệnh TCM, yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:
Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh:
- Tiến hành kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh TCM.
- Thu dung, điều trị bệnh TCM theo phân tuyến; tổ chức sàng lọc người bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú; thực hiện lưu đồ xử trí bệnh TCM, thực hiện điều trị theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh TCM ban hành kèm theo Quyết định số 1003/QĐ-BYT ngày 30/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế và tham khảo các nội dung chuyên môn trong Cẩm nang chẩn đoán và xử trí bệnh TCM ở trẻ em của Bộ Y tế.
- Tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm và kiểm soát nhiễm khuẩn.
- Tăng cường theo dõi người bệnh TCM đang nằm nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh và ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết, đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh diễn biến nặng.
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi: Củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức bệnh tay chân miệng; rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị bệnh TCM để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh lân cận chuyển đến. Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tập huấn và tổ chức các kíp thường trực cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới khi có yêu cầu hỗ trợ.
Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Căn cứ tình hình thực tế, chủ trì tham mưu cho Ngành về Kế hoạch phòng, chống bệnh TCM trên địa bàn tỉnh và các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh TCM (công tác truyền thông, bổ sung kinh phí mua sắm các trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều trị, ...)./.