• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dấu hiệu nào giúp cha mẹ dễ nhận biết dấu hiệu bệnh Tay chân miệng ở trẻ

        Hiện tại, thời tiết diễn biến nắng mưa thất thường, đây là điều kiện thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm phát triển gây bệnh, nhất là bệnh Tay chân miệng. Bệnh Tay chân miệng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ gây những biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Vậy làm thế nào để phòng bệnh Tay chân miệng hiệu quả. Để trả lời câu hỏi này, trong chương trình của chúng tôi ngày hôm nay có mời bác sỹ Đặng Quang Huy, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh Truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ cùng quý vị và các bạn.

Câu hỏi 1: Vâng, câu hỏi đầu tiên xin được trao đổi với bác sĩ Huy là tại sao bệnh Tay chân miệng lại dễ bùng phát và có xu hướng gia tăng, nhất là khi thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay ạ?

Bác sĩ trả lời:

Khái niệm: Bệnh Tay Chân Miệng là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra, có biểu hiện đặc trưng là sốt và mụn nước thường thấy xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng.

Đường lây: Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nên có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch nhầy ở mũi họng, dịch từ bọng nước hay phân của người bệnh, sử dụng đồ dùng cá nhân chung với người bị tay chân miệng. Nếu không có các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát kịp thời, nguy cơ rất lớn bệnh bùng phát thành dịch. Bệnh chủ yếu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ bóng nước trên da, niêm mạc... Sinh bệnh học của các chủng siêu vi này làm cơ thể tăng bài tiết các dịch tiết khi mắc bệnh. Trẻ hắt hơi, chảy mũi, ngậm mút đồ chơi chung với nhau là con đường lây truyền tay chân miệng thuận lợi. Khi bị phát tán ra ngoài, virus vẫn có thể tồn tại khá lâu trong môi trường nhiệt độ phòng, bám lên đồ dùng, đồ chơi, sàn nhà, ly chén, khăn, quần áo. Nếu một trẻ khỏe mạnh tiếp xúc chung trong môi trường này thì rất dễ bị lây nhiễm.

Câu hỏi 2: Vậy xin bác sĩ có thể cho bạn xem truyền hình được biết độ tuổi thường mắc ở trẻ, biểu hiện bệnh Tay chân miệng và biến chứng của bệnh?

Bác sĩ trả lời:

Độ tuổi thường mắc bệnh TCM: Độ tuổi bị bệnh tay chân miệng nhiều nhất là trẻ em dưới 10 tuổi, trong đó hay gặp hơn cả là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng của bệnh càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tất cả những ai chưa từng mắc bệnh tay chân miệng đều có nguy cơ bị lây nhiễm khi tiếp xúc với các dụng cụ hoặc bề mặt nhiễm virus do bệnh nhân chạm vào, song không phải ai nhiễm virus cũng sẽ có biểu hiện của bệnh.

Biểu hiện của bệnh:

Bệnh thường được đặc trưng bởi sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước.

Bệnh tay chân miệng có những dấu hiệu nhận biết khác nhau tùy vào từng giai đoạn, cụ thể như:

Giai đoạn ủ bệnh 3 – 6 ngày:

Trẻ sốt liên tiếp 2 ngày

Người mắc bệnh tay chân miệng có thể xuất hiện triệu chứng sốt kèm theo đau họng và các triệu chứng khác kèm theo

Giai đoạn khởi phát:

Bắt đầu với các triệu chứng dễ nhận thấy gồm:

Trẻ bị sốt, mệt mỏi, sốt nhẹ (37,5-38 độ C) hoặc bị sốt cao (38-39 độ C).

Đau họng.

Tổn thương, đau rát ở răng và miệng.

Chảy nước bọt nhiều.

Biếng ăn.

Tiêu chảy vài lần trong ngày.

Giai đoạn toàn phát: (thường bắt đầu sau 1 – 2 ngày khởi phát bệnh), trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh như:

Trẻ bị phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bóng nước có đường kính 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục. Chúng có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa.

Loét miệng: ở niêm mạc má, lợi và lưỡi của trẻ xuất hiện các bóng nước có đường kính 2 – 3mm, dễ vỡ. Khi vỡ tạo thành các vết loét khiến trẻ đau khi ăn, quấy khóc.

Trên mông của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ xuất hiện các mụn lở, rộp da.

Dấu hiệu toàn thân: rối loạn tri giác, mê sảng, co giật.

Cuối cùng là giai đoạn lui bệnh

Sau thời kỳ toàn phát nếu trẻ hồi phục hoàn toàn mà không gặp bất cứ biến chứng nào thì sẽ bước vào giai đoạn lui bệnh. Thời kỳ cuối này thường là từ 3 - 5 ngày sau phát bệnh hoặc 7 ngày tính từ lúc khởi bệnh

Biến chứng:

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng khi có biểu hiện sốt cao và nôn nhiều dễ dẫn đến biến chứng. Biến chứng tay chân miệng bao gồm biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp, thường xuất hiện sớm khoảng từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh (trong giai đoạn toàn phát). Những biến chứng nguy hiểm của tay chân miệng là viêm não - viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Trong trường hợp không gặp biến chứng, hầu như các trẻ có thể hồi phục hoàn toàn từ 3 - 5 ngày sau giai đoạn toàn phát.

Câu hỏi 2: Thưa bác sỹ, khi bị Tay chân miệng thì trẻ có bị sốt, tuy nhiên được biết sốt lại do nhiều nguyên nhân gây ra. Như vậy làm sao để các bậc phụ huynh có thể nhận biết được sốt do Tay chân miệng hay do các bệnh lý khác, thưa bác sỹ?

Bác sĩ trả lời: 

Sốt là một phản ứng của cơ thể khi có tác nhân vi khuẩn vi rút hay một tác nhân khác vào cơ thể gây sốt. Tuy nhiên trong tay chân miệng có thể có sốt nhẹ, hoặc có những trường hợp trẻ bị biến chứng thì trẻ sẽ sốt cao kèm theo các hồng ban và các bóng nước ở những vùng miệng, tay chân và mông gối của trẻ. Đó là dấu hiệu rất là đặc hiệu. Còn sốt do nguyên nhân khác thì trẻ sốt kèm theo những triệu chứng đặc hiệu của bệnh đi kèm.(đoạn màu xanh là có sẵn)

Còn các trường hợp khác, sốt thường phân loại theo nguyên nhân hoặc diễn biến lâm sàng:

Phân loại sốt theo nguyên nhân

Chia thành 2 nhóm chính là virus và vi khuẩn.

Sốt do virus: thường được gọi là sốt siêu vi, chiếm phần lớn trong các trường hợp sốt ở trẻ. Những loại virus khác nhau có thể gây ra các triệu chứng tương tự nhau, trong đó có sốt nên việc xác định chính xác loại virus nào gây bệnh ở trẻ là một thử thách. Trẻ bị nhiễm virus qua nhiều con đường khác nhau như hô hấp, tiêu hóa, qua đường tiêm truyền... Hô hấp là con đường lây bệnh phổ biến nhất, virus rất dễ lây lan từ người này sang người khác khi hắt hơi, nói chuyện, vì thế rất dễ gây bùng phát thành một đợt dịch. Sốt siêu vi thường có biểu hiện của một đợt sốt cấp tính, sốt cao đột ngột nhưng không kéo dài quá 7 ngày.

 

Sốt do vi khuẩn: thường chiếm một phần nhỏ trong các trường hợp trẻ bị sốt. Khác với virus, tác nhân vi khuẩn có thể gây xuất hiện sốt từ từ, kèm theo các dấu hiệu nhiễm trùng. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng rất khó để phân biệt tác nhân gây bệnh ở một trẻ bị sốt là vi khuẩn hay virus vì triệu chứng xuất hiện không phải lúc nào cũng đặc trưng cho từng loại.

Phân loại sốt theo diễn tiến lâm sàng

Sốt cấp tính được định nghĩa là khi sốt xuất hiện đột ngột, kéo dài khoảng 3 ngày, hiếm khi xuất hiện lâu hơn 1 tuần. Nếu sốt kéo dài hơn 48 giờ, kèm theo các các dấu xuất huyết, thì cần nghĩ đến bệnh cảnh sốt xuất huyết và đưa trẻ nhập viện ngay. Nguyên nhân thường gặp nhất của sốt cấp tính là virus, còn gọi là sốt siêu vi. Bố mẹ cần theo dõi trẻ cẩn thận để có thể kịp thời phát hiện các dấu hiệu báo động và đưa trẻ nhập viện kịp thời.

Sốt kéo dài được xác định khi trẻ sốt liên tục lâu hơn một tuần và luôn cần được đưa đến các cơ sở y tế. Các trường hợp sốt xuất hiện không liên tục, các ngày sốt xuất hiện xen kẽ với những ngày không sốt không được xếp vào nhóm sốt kéo dài. Nguyên nhân đưa đến việc sốt kéo dài thường phức tạp, khó xác định và nguy hiểm. Đứng trước một trường hợp sốt kéo dài ở trẻ, các bác sĩ cần thăm khám kỹ một cách toàn diện và chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng như công thức máu, siêu âm, chụp Xquang. Bố mẹ không được tự ý chữa trị bằng các thuốc hạ sốt thông thường vì gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ và làm mất cơ hội được chữa trị kịp thời.

Câu hỏi 3: Một dấu hiệu điển hình nhất để giúp nhận biết Tay chân miệng ở trẻ là trẻ nổi những bóng nước và có thể gây nhiễm trùng lở loét ở Tay, chân, miệng, ở gối và mông... như bác sỹ vừa chia sẻ. Nhưng thực tế có một số bệnh lý thường gặp khác ở trẻ cũng có những bọng nước và có thể gây nhiễm trùng lở loét như: Thuỷ đậu, viêm da mủ, ... Vậy làm sao để phụ huynh có thể phân biệt được vấn đề này thưa bác sỹ Huy?

Bác sĩ trả lời:

Bệnh tay chân miệng

Thời gian bùng phát dịch: Tay chân miệng bùng phát vào hai thời điểm trong năm là tháng 3-5 và tháng 9-11.

Độ tuổi mắc bệnh: Bệnh tay chân miệng chủ yếu gặp ở những trẻ dưới 10 tuổi.

Nốt ban: Bệnh tay chân nổi mụn nước, có hình bầu dục và mọc ở những vị trí điển hình như lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông. Đặc biệt nốt phỏng nước có thể mọc ở miệng, họng làm loét miệng, họng khiến trẻ tăng tiết nước bọt, biếng ăn, lười bú và quấy khóc. Những nốt mụn nước này không ngứa, không đau.

Bệnh tay chân miệng thường gây nổi ban nhưng không ngứa

Bệnh tay chân miệng thường gây nổi ban nhưng không ngứa

Bệnh thủy đậu

Thời gian bùng phát dịch: Khác với tay chân miệng, bệnh thủy đậu có số ca bệnh tăng cao vào mùa đông xuân hàng năm và kéo dài cho tới hết mùa xuân.

Độ tuổi mắc bệnh: Bệnh thủy đậu chủ yếu gặp ở trẻ em từ 5-11 tuổi.

Nốt ban: Nốt ban bệnh thủy đậu ban mọc nhiều giai đoạn, khởi điểm ở thân (thường là lưng), sau đó lan toàn thân, đầu mặt và tay chân; mụn nước cũ xen lẫn mới, lõm ở giữa khi mới mọc, trong lẫn đục (mủ) do bội nhiễm vi khuẩn; ban mọc nốt phỏng nước gây cảm giác ngứa, đau, nhức rất khó chịu.

Zona

Thời gian bùng phát dịch: Zona hay còn gọi là giời leo. Bệnh zona không dễ bùng phát thành đại dịch như bệnh thủy đậu hay tay chân miệng mà thường gặp ở những người có sức đề kháng kém bởi bệnh do siêu vi thủy đậu gây ra trước đó.

Độ tuổi mắc bệnh: Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nếu sức đề kháng kém.

Nốt ban: Bệnh nhân cảm thấy đau rát ở một vùng da kèm theo sốt nhẹ và mệt mỏi. Sau đó vùng da này nổi nhiều mụn nước to nhỏ thành chùm. Điều đặc biệt những mụn này chỉ nổi ở một bên cơ thể và cực hiếm khi lan sang vùng da bên kia. Tùy vào từng trường hợp mà hiện tượng đau rát sẽ nhẹ hay dữ dội. Phần nách, bẹn và cổ ở bên nổi mụn sẽ xuất hiện hạch sưng.

Mụn nước

Thời gian bùng phát dịch: Có thể bị bất cứ các khoảng thời gian trong năm, nhưng không dễ bùng phát dịch.

Độ tuổi mắc bệnh: Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh.

Nốt ban: Từng chùm mụn nước nhỏ ở quanh miệng. Mụn nước sẽ vỡ, chảy dịch, đóng vảy và lành sẹo. Các mụn nước ngứa và rát

Ngoài ra còn nhiều bệnh lý khác cần phân biệt. cụ thể cần đi khám y tế trực tiếp để phân biệt và tư vấn tốt hơn.

Câu hỏi 4: Xin hỏi bác sĩ giải pháp nào giúp trẻ ăn ngon hơn và đầy đủ chất dinh dưỡng khi trẻ bị bệnh TCM?

Bác sĩ trả lời:

Chăm sóc trẻ nhỏ trong giai đoạn bị bệnh và phục hồi rất quan trọng, đặc biệt là dinh dưỡng để trẻ có sức đề kháng tốt chống lại vi-rút gây bệnh. Do vậy, khi bị tay chân miệng, phụ huynh nên:

Cho trẻ ăn những thức ăn mềm, loãng, nguội để dễ nuốt vì lúc này miệng của trẻ bị đau rát do các nốt ban. Chia nhỏ các bữa ăn và không cố gắng ép trẻ ăn.

Cho trẻ ăn uống đủ chất protein, kẽm để tạo kháng nguyên, kháng thể. Một số trứng phẩm giàu protein và kẽm gồm: trứng, thịt (cháo thịt nạc), sữa, sữa chua, mật ong, dưa hấu,...

Bổ sung vitamin C cho trẻ qua các loại thực phẩm như rau xanh, đu đủ, nước dừa,...

Khi thấy dấu hiệu mụn nước vỡ thì cần bổ sung thêm nhiều vitamin A cho trẻ qua các loại thực phẩm như cà rốt, ngô... để chống bội nhiễm.

Với trẻ sơ sinh hoặc bé 1 tuổi bị tay chân miệng còn bú mẹ cần cho bú như bình thường, có thể tăng số lần lên vì trẻ mỗi lần bú không được nhiều.

Vậy bệnh tay chân miệng kiêng ăn gì? Cha mẹ cần lưu ý:

Không cho trẻ ăn những thức ăn cứng, nóng vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các vết loét, khiến trẻ đau đớn, khó ăn và khó nhai nuốt.

Không cho trẻ ăn những đồ ăn vặt mặn, cay, đồ nhiều dầu mỡ dù đó là món yêu thích của trẻ.

Đồng thời, tránh chọn những loại muỗng, thìa có cạnh sắc để đút cho trẻ; không đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi làm trẻ đau dẫn đến sợ hãi, không ăn.

Câu hỏi 5: Và cuối cùng xin được bác sĩ trao đổi về cách phòng bệnh Tay chân miệng cho trẻ?

Bác sĩ trả lời:

Rửa tay sạch sẽ với xà phòng trước khi nấu ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ ăn, sau khi dùng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt chú ý vệ sinh sau khi tiếp xúc với các bọng nước;

Làm sạch môi trường và các vật dụng dễ bị ô nhiễm (bao gồm đồ chơi, bàn ghế, tay nắm cửa,...) với nước (và xà phòng nếu có thể), sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường và rửa lại một lần nữa;

Tránh các hành vi tiếp xúc gần (như ôm, hôn, dùng chung đồ dùng) với các bệnh nhi khác cũng là một cách để phòng bệnh tay chân miệng;

Khi đã mắc bệnh, tạm thời không cho trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc những nơi đông người cho tới khi các triệu chứng bệnh tay chân miệng ở trẻ em đã lui hẳn;

Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và đưa trẻ đến bệnh viện để được chăm sóc y tế kịp thời nếu nhận thấy triệu chứng sốt cao, li bì, mất tỉnh táo;

Chú ý che miệng và mũi khi hắt hơi và ho, sau đó vệ sinh tay bằng nước và xà phòng;

Xử lý khăn giấy và tã lót đã sử dụng bằng việc thải bỏ rác đúng cách, tránh thải bừa bãi ra môi trường chung;

Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, sân vườn, nơi vui chơi của trẻ sạch sẽ.

       Xin trân trọng cảm ơn những thông tin chia sẻ rất bổ ích của bác sỹ Đặng Quang Huy. Thông tin này đã giúp chúng ta đặc biệt là quý phụ huynh có thể nhận biết được con mình có bị mắc bệnh Tay chân miệng hay không và cùng với đó là các biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho trẻ nhỏ. Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn bác sỹ.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết