• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dịch bệnh năm 2024 sẽ phức tạp hơn năm 2023 nếu không chủ động, quyết liệt các biện pháp phòng, chống

Thời điểm giao mùa Xuân Hè hiện nay, nhiều loại bệnh truyền nhiễm đã gia tăng số mắc gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia y tế lo ngại, theo quy luật, mùa Hè năm nay sẽ rơi vào chu kỳ phát triển của nhiều dịch bệnh, như: Tay chân miệng, Sốt xuất huyết, Sởi, Ho gà…

Thống kê của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm cho đến giữa tháng 4 năm 2024, cả nước ghi nhận 163 trường hợp mắc Sởi và phát ban nghi Sởi (tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023); 118 trường hợp mắc Ho gà (tăng 7,4 lần so với cùng kỳ năm 2023) và hơn 12.000 trường hợp mắc Tay chân miệng (tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái).

Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh năm 2024 sẽ phức tạp hơn so với năm 2023 nếu không chủ động các biện pháp phòng, chống. Do đó, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cần chủ động trong cả nguồn lực, trong giám sát, dự phòng để dự báo sớm, nhận định đúng tình hình, có giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Đối với công tác thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ Y tế chỉ đạo cần thực hiện phân tuyến điều trị từ y tế cơ sở, bệnh viện tuyến điều trị mở rộng và tại chỗ, bệnh viện tuyến điều trị chủ yếu và bệnh viện điều trị tuyến cuối với nhiệm vụ cụ thể. Mục tiêu đặt ra là sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh, hạn chế lây nhiễm trong bệnh viện, giảm, hạn chế tỷ lệ tử vong và duy trì hoạt động của các bệnh viện trong trường hợp dịch lan rộng.

Bộ Y tế cũng lưu ý, việc phân tuyến điều trị còn phụ thuộc theo từng loại bệnh, từng tình huống và theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị. Với những loại bệnh lây theo đường hô hấp như: Sởi, Cúm, Ho gà…, chủ yếu cách ly điều trị tại chỗ, tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới từ xa hoặc tại chỗ. Còn với những bệnh có khả năng lây lan hạn chế hơn như: Sốt xuất huyết, Tay chân miệng…, ngoài điều trị tại chỗ có thể chuyển tuyến khi vượt quá khả năng, năng lực của đơn vị…Cùng với đó, các bệnh viện chuẩn bị các điều kiện về hậu cần theo tình hình dịch bệnh như: Trang thiết bị hồi sức cấp cứu, thuốc, dịch truyền, hệ thống khí ô xy…

Thời tiết thay đổi bất thường sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm là rất cao, diễn biến khó lường, có thể bùng phát thành dịch lớn. Vì vậy, đối với các bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa như Tay chân miệng, Sốt xuất huyết, các địa phương cần tăng cường vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, loại bỏ hoặc lật úp những vật dụng chứa nước; vệ sinh, khử khuẩn lớp học, nhất là đồ chơi và bề mặt tiếp xúc, hướng dẫn học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng...

Đối với các bệnh có vắc xin dự phòng, các địa phương cần đẩy mạnh tiêm chủng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, các địa phương cần xác định những nơi có ổ dịch nhỏ hoặc khu vực có nhiều ca mắc rải rác, trên cơ sở đó có đánh giá tỷ lệ tiêm chủng và điều tra dịch tễ tiêm chủng nhằm tập trung tiêm bù, tiêm vét, tiêm đầy đủ./.


Tác giả: Thuý Liễu – Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB