• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dinh dưỡng cho Người cao tuổi

Người cao tuổi ít hoạt động hơn so với tuổi trẻ, mắt nhìn kém, tai nghe kém, mũi ngửi kém, lưỡi không nhạy cảm ảnh hưởng đến sự ngon miệng. Các cơ quan tiêu hóa cũng hoạt động kém hơn trước đây: Răng yếu, khó nhai thức ăn; Tuyến nước bọt bị teo, thiếu nước bọt nên khó nuốt; Dạ dày và ruột teo nhỏ; Dịch vị dạ dầy và lượng men tiêu hóa giảm; Ăn khó tiêu; Nhu động của ruột giảm, dễ bị táo bón...Hoạt động của gan và thận yếu đi. Khả năng lọc còn 60%, gây ứ đọng chất thải trong máu...

Tình hình trên ảnh hưởng xấu đến việc tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Do đó, người cao tuổi cần phải có chế độ ăn hợp lý như sau:

Giảm lượng thức ăn so với tuổi trẻ, trước hết là ăn giảm cơm:

Nhu cầu năng lượng của người 60 tuổi giảm 20%, ở người trên 70 tuổi giảm 30% so với người 25 tuổi. Do đó, người già thường ăn ít hơn. Cá biệt, có người cao tuổi vẫn ăn ngon, nên ăn quá mức, dẫn đến béo phì, gây suy tim, suy gan, suy thận. Do đó, người cao tuổi cần giảm mức ăn, trước đây ba hoặc bốn bát cơm mỗi bữa, bây giờ chỉ nên ăn hai hoặc một bát.

Chú ý theo dõi cân nặng của người cao tuổi: Cân nặng của người cao tuổi không vượt quá số cm chiều cao trừ đi 105. Ví dụ, một người cao 165cm không nên vượt quá 60kg cân nặng.

Ăn giảm thịt, giảm đường, giảm muối: Ngoài việc giảm cơm, người cao tuổi cần chú ý giảm thịt, chất béo và đường. Lượng thịt trung bình không vượt quá 1,5 kg mỗi người trong một tháng, mỡ ít hơn 600 gram, đường ít hơn 500 gram. Ngoài ra, cũng cần ăn giảm muối, bắt đầu dưới 300 gam/người/tháng, rồi rút dần xuống dưới 200 gam/người/tháng vì ăn muối có liên quan đến bệnh Tăng huyết áp.

Ăn thêm đậu, lạc, vừng và cá: Ở người cao tuổi, quá trình tiêu hóa và hấp thụ đạm thường kém nên dễ gây tình trạng thiếu đạm. Trong đậu, lạc, vừng và cá có nhiều đạm và dầu giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch. Do đó, người già nên ăn nhiều món đậu như đậu phụ, sữa đậu nành. Trong mỗi gia đình, nên có một lọ vừng lạc để bổ sung bữa ăn hàng ngày. Nên ăn 2-3 bữa cá mỗi tuần, chọn cá nhỏ, hầm qua hai lửa để ăn cả xương có nhiều canxi hơn, ngăn ngừa loãng xương. Đậu, lạc, vừng và cá có tác dụng ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tim mạch; Đậu phụ cũng có tác dụng phòng ngừa ung thư. Đây là hai bệnh chính thường gây tử vong ở người già.

Ăn nhiều rau tươi, quả chín: Người cao tuổi cần chú ý ăn nhiều rau để có chất xơ kích thích sự co bóp của ruột, tránh táo bón. Các chất xơ trong rau quả còn có tác dụng như cái chổi quét hết các chất bổ béo thừa đẩy ra theo phân, giúp cơ thể chống các bệnh xơ vữa động mạch. Rau tươi, quả chín còn cung cấp vitamin, chất khoáng rất cần thiết cho cơ thể người cao tuổi.

 Người cao tuổi có bệnh tiểu đường (đái tháo đường) cần hạn chế ăn các loại quả (trái cây) có hàm lượng đường cao như: xoài, chuối, nhãn, vải, mít, sầu riêng, dưa hấu...; Chỉ ăn quả tươi, hạn chế sử dụng quả khô hoặc đóng hộp.Ăn trái cây với số lượng nhỏ, tránh ăn quá nhiều một lúc. Chọn các loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp như quả mọng (dâu tây, mâm xôi), táo, lê, cam, quýt, ổi...

Người cao tuổi cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể thao đều đặn hàng ngày phù hợp. Người bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh mạn tính cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp, phòng ngừa biến chứng gây nặng bệnh, tử vong.

                          BS CKII Lưu Thị Ánh Tuyết – PGĐ Trung tâm KSBT tỉnh

                                               (Theo Viện Dinh dưỡng)


Tác giả: BSCKII Lưu Thị Ánh Tuyết - PGĐ TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB