Sự xuất hiện và gia tăng thuốc lá điện tử làm phức tạp thêm công tác phòng, chống tác hại thuốc lá
Theo mô hình bệnh tật ở nước ta, bệnh không lây nhiễm chiếm đến hơn 77% gánh nặng bệnh tật và nguyên nhân tử vong. Về nguyên nhân của bệnh không lây nhiễm gia tăng có nhiều yếu tố như dinh dưỡng không hợp lý, lười vận động..., trong đó có cả yếu tố sử dụng thuốc lá - đây là nguyên nhân góp phần làm gia tăng bệnh tim mạch, ung thư...
Theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí kinh tế hàng năm cho việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam lên đến 108 nghìn tỷ một năm.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản lý liên ngành Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế, sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra các gánh nặng bệnh tật và kinh tế không chỉ cho bản thân người sử dụng mà còn cho cả gia đình và toàn xã hội. Việc xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ sẽ phá bỏ những thành tựu mà chúng ta đã đạt được qua 10 năm thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 năm 2019 là 2,6%, năm 2023 tăng lên 8,1%. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
Đáng lo ngại hiện nay, phần lớn người dân và thanh thiếu niên quan niệm thuốc lá điện tử rất đơn giản, cho rằng trong thuốc lá điện tử không có Nicotine gây nghiện. Điều này hoàn toàn sai lầm vì thực tế, trong thuốc lá điện tử có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe là Nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy. Hiện, chi phí điều trị cho mỗi ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cấp tính từ nhẹ đến nặng từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Bác sĩ CKII Lưu Thị Ánh Tuyết - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình thông tin cảnh báo: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) , thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các loại khác đều có hại cho sức khỏe. Nó mở đầu cho xu hướng con người lạm dụng, phơi nhiễm, nghiện các hóa chất tổng hợp không thể kiểm soát và hàng loạt vấn đề y tế khác. Đồng thời, làm phức tạp thêm công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Vì vậy, tuyệt đối không cần đánh giá, nghiên cứu hay cho dùng thử các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh rằng: không có bằng chứng cho thấy những sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng giúp mọi người cai thuốc lá. Trên thực tế, điều ngược lại là các sản phẩm này đưa Nicotine tới mọi người - đặc biệt là những người trẻ tuổi - khiến họ bị lôi cuốn, bị nghiện Nicotine.
Cùng đó, các chuyên gia của WHO cũng cảnh báo nguy cơ sử dụng ma túy với thuốc lá điện tử. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, khi sử dụng thuốc lá điện tử thì khả năng sử dụng ma túy tăng lên rất cao.
WHO cũng như nhiều chuyên gia y tế, chính sách, các Đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh những tác hại, gánh nặng do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ra với sức khỏe người sử dụng, cũng như tăng thêm gánh nặng tài chính chi cho điều trị bệnh tật do các sản phẩm này gây ra. Bộ Y tế Việt Nam cũng đã nhiều lần thể hiện quan điểm cần phải cấm chứ không chỉ quản lý, kiểm soát thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vì tình trạng nhập viện do sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử ngày càng gia tăng, đa số là bệnh nhân trẻ ngộ độc cấp. Theo báo cáo tổng hợp từ gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và Trung tâm Y tế huyện/thành phố: Chỉ tính riêng năm 2023, cả nước có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong đó, số người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tập trung nhiều nhất ở lứa tuổi từ 65 tuổi trở lên với 580 ca, lứa tuổi từ 45-64 có 377 ca, lứa tuổi từ 25-44 có 138 ca, lứa tuổi từ 19-24 có 58 ca, lứa tuổi từ 16-18 có 44 ca và lứa tuổi dưới 16 tuổi có 27 ca nhập viện./.