• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kế hoạch số 22/KH-UBND của UBND tỉnh Thái Bình: Thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 tỉnh Thái Bình

Thực hiện Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”, ngày 25/01/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã có Kế hoạch số 22/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDSvào năm 2030 tỉnh Thái Bình.

Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch nhằm: Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các mục tiêu cụ thể là: Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS.Mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030.Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi rút HIV đạt 95%; tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng vi rút HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.

Kế hoạch gồm các nhóm chỉ tiêu cụ thể:

Nhóm chỉ tiêu tác động: Số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 20 trường hợp/năm vào năm 2030 (tương đương chỉ tiêu toàn quốc là dưới 1.000 trường hợp/năm vào năm 2030). Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân vào năm 2030. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con (số trẻ đẻ ra bị lây truyền HIV từ người mẹ đã bị nhiễm) xuống dưới 2% vào năm 2030.

Nhóm chỉ tiêu về dự phòng: Tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 70% vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030.Tỷ lệ người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng thuốc thay thế và các loại thuốc, bài thuốc đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt ít nhất 50% vào năm 2030.Tỷ lệ người đồng tính nam (MSM) được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc (PrEP) đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030. Tỷ lệ thanh niên từ 15 đến 24 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS đạt 80% vào năm 2030.Tỷ lệ người dân 15 đến 49 tuổi không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030.

Nhóm chỉ tiêu về xét nghiệm: Tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030. Tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được xét nghiệm HIV hằng năm đạt 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Nhóm chỉ tiêu về điều trị: Tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng HIV được điều trị ARV đạt 90% năm 2025 và đạt 95% năm 2030. Tỷ lệ người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế đạt ít nhất 95% qua các năm. Tỷ lệ bệnh nhân đồng nhiễm HIV/Lao được điều trị đồng thời cả ARV và lao đạt 92% vào năm 2025 và đạt 95% vào năm 2030. Tỷ lệ người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được điều trị đồng thời thuốc ARV và điều trị viêm gan C đạt 50% trở lên vào năm 2025 và 75% trở lên vào năm 2030.

Nhóm chỉ tiêu hệ thống y tế: Năm 2021 kế hoạch bảo đảm tài chính thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 và phân bổ ngân sách địa phương hằng năm cho công tác phòng, chống HIV/AIDS theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. Phấn đấu 100% người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế. Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hệ thống thu thập số liệu, thống kê, báo cáo đạt chất lượng để theo dõi tình hình dịch và đánh giá hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Để đạt được mục tiêu, Kế hoạch đề ra 05 nhóm giải pháp, bao gồm: Lãnh đạo,chỉ đạo, quản lý hoạt động; Giải pháp về phối hợp liên ngành; Giải pháp về thông tin, truyền thông, giáo dục; Giải pháp về chuyên môn kỹ thuật(Can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV; Tư vấn xét nghiệm HIV; Điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV; Giám sát, theo dõi, đánh giá dịch HIV/AIDS) và giải pháp về huy động nguồn lực(Giải pháp về bảo đảm tài chính và nguồn nhân lực).

Về công tác tổ chức: Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã phân công cụ thể cho các cơ quan, đơn vị là: Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Thông tin - Truyền thông, Đài PTTH tỉnh và Báo Thái Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ban ngành khác và đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ủy ban MTTQVN tỉnhvà các tổ chức đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Y tế) để chỉ đạo thực hiện./.


Tác giả: Nguyễn Hiệu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết