Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh 27/12/2023
Thực hiện Kế hoạch số 1446/KH-BYT ngày 20/11/2023 của Bộ Y tế; Công văn số 7999/BYT-VPB9, ngày 13/12/2023 của Bộ Y tế; Công văn số 672/GDSKTƯ ngày 11/12/2023 của Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương, ngày 15/12/2023 Sở Y tế Thái Bình ban hành công văn số 2508/SYT-NVY về việc tăng cường công tác truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị y tế trong tỉnh tăng cường các hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023 tại đơn vị, địa phương. Cập nhật kho dữ liệu của Bộ Y tế về sản phẩm tài liệu truyền thông để truyền thông trên các kênh truyền thông, Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội của đơn vị và của ngành y tế. Đường link dẫn tại: https://drive,google.com/drive/folders/IID-OX772HOOTrksczrzsT11OGp?usp=sharing; soytethaibinh.gov.vn; cdcthaibinh.vn. Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch, tổ chức thực hiện “Phong trào toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe” với thông điệp: kêu gọi toàn dân, toàn xã hội chủ động tham gia phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe. Treo pa nô, banner, khẩu hiệu về phòng, chống dịch bệnh tại nơi tập trung đông người của đơn vị. Lồng ghép nội dung, chủ đề, thông điệp hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023 trong các hoạt động của đơn vị.
Lịch sử Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh
Ngày 07/12/2020, tại phiên họp toàn thể, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thông qua, đồng thuận Nghị quyết A/RES/75/27- Nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì, đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thành lập Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (International Day of Epidemic Preparedness) vào ngày 27/12 hàng năm. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực này và là nghị quyết do Việt Nam cùng 05 quốc gia đồng đề xuất.
Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của từng cá nhân, từng cộng đồng và các quốc gia về việc thường xuyên phòng bệnh dịch. Cụ thể là, cần tăng cường năng lực để đối phó kịp thời, đầy đủ và dập tắt nhanh chóng với bất kỳ dịch bệnh nào xảy ra. Nghị quyết kêu gọi các quốc gia cần đầu tư cho năng lực sẵn sàng ứng phó nhằm ngăn chặn, phát hiện và giảm thiểu tác động của các tình huống nguy cấp ở tất cả các cấp độ, đồng thời tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần đẩy mạnh phối hợp chính sách, đoàn kết hành động và đề cao hợp tác quốc tế trên tinh thần ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người để có thể đảm bảo một thế giới an toàn, bền vững.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nêu rõ: “Đại dịch COVID-19 đã để lại cho cộng đồng quốc tế những bài học. Đó là, thế giới phải có năng lực, tư thế chuẩn bị sẵn sàng để phát hiện, phòng chống và đẩy lùi mọi mối nguy hiểm của dịch bệnh. Cần có sự chuẩn bị sẵn sàng, không chỉ phụ thuộc vào hệ thống y tế, mà còn ở các Chính phủ, các cộng đồng, các tổ chức bảo vệ sức khỏe khác và mối quan hệ mật thiết giữa sức khỏe của con người, động vật và trái đất”. Lịch sử và thực tế chứng minh rằng chúng ta đã nhận những kinh nghiệm đắt giá về đại dịch, nhất là COVID-19. Vì lẽ đó, phải chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng y tế có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.
Ngày 27/12 được chọn làm ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh do đây là ngày sinh của Nhà bác học Louis Pasteur, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế phòng ngừa. Các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh nhằm nhắc nhở tất cả mọi người về những tác động mà các dịch bệnh đã gây ra. Từ đó, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mà luôn giữ một nhận thức thường trực về tầm quan trọng của việc đưa nội dung phòng ngừa dịch bệnh vào mọi hoạt động. Sáng kiến của Việt Nam về ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm của cộng đồng quốc tế. Bởi có nhiều quan điểm cho rằng sự chuẩn bị sẵn sàng là một khoản đầu tư đúng đắn, với chi phí thấp hơn nhiều so với các khoản chi khẩn cấp. Vì vậy, cần có chiến lược và lộ trình dài hạn để xây dựng một hệ thống ứng phó với những đại dịch tương tự trong tương lai./.