• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế : Tập huấn Phòng chống yếu tố nguy cơ và rối loạn tâm thần ở học sinh

Sáng ngày 20/12/2023, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khai mạc lớp tập huấn cho cán bộ ngành y tế, giáo dục 25 tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc về Phòng, chống yếu tố nguy cơ và rối loạn tâm thần ở học sinh, lớp tập huấn tổ chức tại Thành phố Nam Định.

Lớp tập huấn diễn ra trong 02 ngày 20-21/12. Tại lớp tập huấn, học viên được các chuyên gia y tế giới thiệu, hướng dẫn các nội dung như: Cơ sở thực tiễn và pháp lý triển khai hoạt động sức khỏe tâm thần ở trường học; Kế hoạch triển khai hoạt động phòng chống rối loạn sức khỏe tâm thần (SKTT) học sinh ở trường học; Phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và ứng phó rối loạn tâm thần (RLTT) ở học sinh; Phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh và nguyên tắc xử trí; Hướng dẫn triển khai và thực hành các công cụ sàng lọc sức khỏe tâm thần ở học sinh,…

Sức khỏe tâm thần là trạng thái không chỉ không có rối loạn hay dị tật tâm thần mà còn là một trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái, vui tươi yêu đời, bao gồm khả năng suy nghĩ, học hỏi và hiểu được cảm xúc của một người và phản ứng của người khác; có khả năng ứng xử bằng cảm xúc hoặc hành vi hợp lý trước mọi tình huống; có khả năng tạo dựng, duy trì, phát triển thoả đáng các mối quan hệ; có khả năng tự hàn gắn để duy trì, cân bằng khi có các sự cố gây mất cân bằng, căng thẳng.

Trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần học sinh đang gia tăng nhanh chóng như stress, lo âu, trầm cảm, tự tử, vấn đề “Hysteria tập thể”, các rối loạn dạng cơ thể ...Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 10-20% trẻ em và thanh thiếu niên bị các rối loạn tâm thần. Cứ mỗi 40 giây, trên thế giới có một người tự tử (800.000 ca tự tử/năm). Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 - 29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông.

Thực tế tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều. Theo  kết quả các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, tỉ lệ hiện mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung đối với trẻ em và vị thành niên ở Việt Nam từ 8-29, tỉ lệ trẻ vị thành niên có biểu hiện SKTT chung là 14,0%, nghi ngờ có vấn đề SKTT là 15,6%, nam cao hơn nữ; gặp vấn đề SKTT về quan hệ bạn bè là 13,5%, quan hệ xã hội là 13,2%, vấn đề hành vi là 8,8%, vấn đề cảm xúc là 6,4%, biểu hiện tăng động là 4,0%. Các vấn đề liên quan đến SKTT như: yếu tố hạnh kiểm, học lực, bị bạo lực tại gia đình hoặc học đường...

Các RLTT là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng khuyết tật ở thanh thiếu niên, ảnh hưởng tới sức khoẻ và các hệ luỵ kèm theo. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời các RLTT ở các em, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, chất lượng học tập và tương lai. Trường học có vai trò quan trọng trong việc nhận biết và phát hiện sớm trẻ em có vấn đề SKTT. Môi trường học đường và các dịch vụ y tế trường học tạo cơ hội cho các can thiệp kịp thời đến các vấn đề SKTT như lo âu, trầm cảm, rối loạn hành vi...Công tác chăm sóc và điều trị RLTT trẻ em hiện nay vẫn còn nhiều khoảng trống, cần được quan tâm đúng mức.

Lớp tập huấn đã cung cấp những kiến thức cơ bản, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc SKTT, góp phần nâng cao thái độ, kỹ năng thực hành cho các cán bộ y tế thuộc mạng lưới chăm sóc sức khoẻ tâm thần để thời gian tới có các giải pháp can thiệp SKTT, dự phòng tích cực để bảo vệ và nâng cao sức khoẻ học sinh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện sự phối hợp tích cực giữa các cấp, ngành với 2 ngành Giáo dục và Y tế để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, có chiến lược và kế hoạch phù hợp thực hiện hiệu quả chương trình phòng, chống rối loạn tâm thần trẻ em ở từng địa phương./.

                                                                   Bs Trần Hương


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết