• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

PHÒNG, CHỐNG BỆNH GOUT

Hiện nay, cùng với một số bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, béo phì, bệnh Gout ngày càng gia tăng ở các nước phát triển cũng như ở Việt Nam. Nếu chúng ta biết áp dụng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tuân thủ một chế độ điều trị và theo dõi bệnh một cách chặt chẽ thì chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh và khống chế được bệnh.

  1. Những điều cần biết gì về bệnh Gout

Bệnh Gout là một dạng viêm khớp gây sưng đau, nóng đỏ tại các khớp, thường khởi phát ở ngón chân cái hoặc chi dưới. Gout là bệnh khớp viêm, nguyên nhân có thể do chế độ ăn uống và sinh hoạt không phù hợp. Bệnh gây đau đớn, cản trở các hoạt động hằng ngày của người bệnh. Các giai đoạn của bệnh Gout sẽ có biểu hiện đặc trưng. Nếu phát hiện bệnh sớm và có biện pháp can thiệp phù hợp, người bệnh có thể “chung sống hòa bình” với bệnh, phòng ngừa tiến triển nặng.

Bình thường, ở người khỏe mạnh, chỉ số acid uric trong máu thường duy trì ở mức cố định: Nam giới: 210 – 420 umol/L; Nữ giới: 150 – 350 umol/L.

     Khi thận không đào thải được axit uric hay cơ thể tạo ra axit uric quá nhiều hay do bất thường trong chu trình chuyển hoá tạo ra axit này đều có nguy cơ mắc bệnh Gout.

  1. Nguyên nhân gây bệnh Gout

- Nguyên nhân nguyên phát: Bệnh Gout thường gắn liền với những yếu tố như di truyền, cơ địa. Đây là nguyên nhân chiếm phần lớn các trường hợp. Người mắc bệnh Gout vô căn có quá trình tổng hợp purin nội sinh làm gia tăng axit uric quá mức. Đối tượng mắc bệnh thường là nam giới trên 40 tuổi, có thói quen sinh hoạt và ăn uống thiếu lành mạnh.

- Nguyên nhân thứ phát: Đây là tình trạng tăng acid uric máu do các bệnh lý khác hoặc do nguyên nhân khác như mắc những bệnh lý máu: bệnh đa hồng cầu, leucemie kinh thể tủy, hodgkin, đau tủy xương, sarcoma hạch... hay quá trình dùng thuốc điều trị những bệnh ác tính.

3. Các giai đoạn của bệnh Gout

     Giai đoạn 1

     Bệnh nhân mới chỉ tăng nồng độ axit uric trong máu, chưa hình thành các tinh thể gây viêm khớp. Do đó, người bệnh cũng không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, phần lớn trường hợp được phát hiện không cần phải điều trị. Người bệnh chỉ cần áp dụng các biện pháp chăm sóc và thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, kiểm soát những yếu tố nguy cơ, giúp ngăn ngừa tình trạng dư thừa acid uric tiến triển thành bệnh Gout là đã kiểm soát bệnh tốt.

     Giai đoạn 2

Trong giai đoạn 2, người bệnh có thể thấy các biểu hiện bệnh đã rõ ràng. Những tinh thể uric lắng đọng quanh khớp, gây ra tình trạng viêm cấp tính. Bệnh nhân bị đau dữ dội và khó chịu. Ở giai đoạn này, những đợt khởi phát viêm do Gout thường chỉ kéo dài 3 đến 10 ngày, biểu hiện đau giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, khi người bệnh có những yếu tố kích thích như uống rượu bia, sử dụng chất kích thích có cồn hoặc tâm lý căng thẳng, thời tiết lạnh…,tình trạng đau do bệnh Gout cấp sẽ càng tiến triển nặng hơn.

Giai đoạn 3

Ở giai đoạn 3, những đợt khởi phát viêm và các triệu chứng Gout cấp sẽ ngày càng gần nhau hơn. Tình trạng này cảnh báo tinh thể uric đang lắng đọng không ngừng trong các mô, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khớp.

Giai đoạn 4

Trong giai đoạn 4, người bệnh có thể thấy sự xuất hiện của tophi mạn tính. Đồng thời, các khớp và thận có thể đã xuất hiện các tổn thương vĩnh viễn. Ngoài viêm khớp ngón chân, nhiều khớp khác trên cơ thể cũng đã bị ảnh hưởng như khớp cổ chân, khớp ngón tay…

Ở giai đoạn này, nếu trì hoãn điều trị, người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng không phục hồi do Gout, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và khả năng vận động của xương khớp.

Các giai đoạn của bệnh Gout đều có biểu hiện đặc trưng. Người bệnh nên nhận biết bệnh sớm và có hướng can thiệp kịp thời. Điều này sẽ giúp ngăn bệnh tiến triển nặng, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm, làm giảm chất lượng cuộc sống.

          4.Các dấu hiệu giúp nhận biết bệnh Gout từ sớm

Ở giai đoạn đầu của bệnh Gout, một số người bệnh được ghi nhận nồng độ acid uric trong máu tăng. Tuy nhiên, bệnh nhân lại không có các triệu chứng do tăng acid uric máu. Lâu dần, nồng độ axit uric tăng cao không hạ, dẫn tới tích tụ những tinh thể uric gây đau khớp. Bệnh thường xuất hiện đột ngột. Triệu chứng đau dữ dội tới âm ỉ, thường xảy ra vào ban đêm.

Trong các giai đoạn của bệnh Gout, người bệnh có thể nhận biết bệnh thông qua những dấu hiệu như:

  • Khớp đau dữ dội: Tình trạng đau xuất hiện tại khớp ngón chân cái, mắt cá chân, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay. Ở khớp háng, khớp vai, vùng chậu, tần suất cơn đau xuất hiện ít hơn. Thời điểm cơn đau tiến triển nặng nhất là trong vòng 4 – 12 giờ đầu tiên sau khi khởi phát.
  • Đau âm ỉ và kéo dài: Sau khi trải qua cơn đau dữ dội của đợt gút cấp, người bệnh sẽ bị đau âm ỉ. Triệu chứng này có thể kéo dài vài ngày hay vài tuần. Tần suất lần sau sẽ đau, kéo dài hơn lần trước.
  • Viêm và tấy đỏ ở khớp: Những khớp bị ảnh hưởng bị sưng, nóng, đỏ.
  • Giảm tầm vận động của khớp: Khi bệnh tiến triển, người bệnh gặp nhiều khó khăn khi cử động các khớp bị ảnh hưởng.
  1. Biện pháp phòng ngừa bệnh Gout

     Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Gout, bạn cần lưu ý:

  • Hạn chế dùng các thức uống chứa cồn, rượu bia.
  • Bổ sung có kiểm soát những loại thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, động vật có vỏ, nội tạng động vật…
  • Kiểm soát tốt cân nặng, tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
  • Không hút thuốc lá.
  • Thường xuyên vận động phù hợp, nên tập thể dục ít nhất 20 phút/ngày, 05 ngày/tuần. Thói quen tốt này sẽ giúp nâng cao sức khỏe toàn diện.
  • Uống đủ nước giúp thanh lọc cơ thể, tăng đào thải Acid uric dư thừa trong máu
  • Thực hiện khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần hoặc tham vấn ý kiến y bác sĩ khi cần sử dụng thuốc điều trị bệnh.

Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB