• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sử dụng nhiều đường là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh không lây nhiễm

Tại Việt Nam, tiêu thụ đường tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mức tiêu thụ đường trung bình của người Việt Nam hiện nay là 46,5 gam/ngày, cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (25 gam/ngày). Sử dụng nhiều đường là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh không lây nhiễm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, việc tiêu thụ lượng đường tự do cao hơn sẽ dẫn đến tăng cân không lành mạnh, tăng nguy cơ béo phì cùng nguy cơ mắc một số bệnh không lây nhiễm khác.

Sử dụng nhiều đường còn là nguyên nhân gây bệnh mạn tính không lây nhiễm. Có tới 45 tác động có hại đối với cơ thể khi sử dụng nhiều đường như: Bệnh răng miệng (thường gây sâu răng), tiểu đường tuýp 2, béo phì... Béo phì dẫn đến bệnh tim mạch, các vấn đề về khớp, tăng huyết áp, thậm chí với bệnh nhân tiểu đường có thể gây hôn mê do tăng hoặc hạ đường huyết.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn nhiều đường có thể dẫn đến lượng glucose dư thừa trong não và các nghiên cứu đã liên kết lượng glucose dư thừa với trí nhớ và các khiếm khuyết về nhận thức. Một lý do khác khiến đường có hại cho não là vì nó ảnh hưởng đến một số chất dẫn truyền thần kinh, có thể dẫn đến “nghiện” đường.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nên giảm lượng đường tự do hấp thụ ở mọi lứa tuổi, nên giảm lượng đường tự do hấp thụ xuống dưới 10% tổng lượng năng lượng hấp thụ. Nhất là trong tình hình mới hiện nay, sau đại dịch COVID-19, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm hơn đến sức khoẻ. Nhu cầu tiêu dùng hiện nay đang hướng đến sử dụng các sản phẩm: Sữa tươi tiệt trùng ít đường, sữa chua không đường, sữa hạt không sử dụng đường tinh luyện mà thay bằng vị ngọt tự nhiên từ quả chà là…

Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh: Người dân nên làm quen với việc giảm lượng đường thêm vào đồ uống và thực phẩm bao gồm ngũ cốc, cà phê hoặc trà, hoặc lựa chọn thực phẩm không đường, giảm đường để giảm dần lượng đường cho đến khi thích nghi.

Bộ Y tế ban hành 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030, trong đó Bộ Y tế nhấn mạnh việc hạn chế sử dụng các loại thức ăn chiên rán, thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, thức ăn nhiều muối, nhiều đường, đồ uống có đường, có cồn; bảo đảm an toàn trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm. Dinh dưỡng cân đối, hợp lý là yếu tố quan trọng nhằm hướng tới phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất, trí tuệ của người Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để có các sản phẩm dinh dưỡng có vị ngọt, ngon và tốt cho sức khỏe, các nhà sản xuất thực phẩm nên giảm lượng đường tinh luyện, dùng các chất ngọt thay thế và có nguồn gốc thiên nhiên như trái cây.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh sẽ giúp người tiêu dùng được bảo vệ sức khoẻ, tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm và góp phần phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm./.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB