• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác với bệnh ung thư thực quản

Ung thư thực quản là một trong những bệnh ác tính thường gặp ở hệ thống tiêu hóa, hiện nay tỷ lệ mắc bệnh ngày càng có xu hướng gia tăng, nhiều trường hợp ung thư thực quản ít có biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn sớm, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác. Khi biểu hiện bệnh rõ ràng thường đã ở giai đoạn muộn và quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn. Việc phát hiện sớm ung thư thực quản để điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.

1.Các dấu hiệu nhận biết ung thư thực quản

Ở giai đoạn sớm, ung thư thực quản thường không có biểu hiện, dễ bị bỏ qua, dẫn đến thời gian điều trị bệnh bị trì hoãn. Tuy nhiên, khi khối u phát triển, có thể xuất hiện các biểu hiện ung thư thực quản như:

  • Nuốt vướng, nuốt nghẹn

Thông thường ở giai đoạn đầu của bệnh ung thư thực quản, người bệnh sẽ chỉ cảm thấy nuốt vướng khi ăn, nuốt đau, nuốt khó. Khi bệnh chuyển sang những giai đoạn sau, thì cảm giác sẽ đau hơn, ngay cả khi ăn thức ăn lỏng hay nuốt nước bọt cũng cảm thấy đau. Nếu u to gây nghẹn nhiều, bệnh nhân sẽ bị nôn ra thức ăn.

  • Sụt cân

Ăn uống kém dẫn đến cơ thể thiếu năng lượng, dinh dưỡng, suy kiệt và cân nặng sụt giảm rõ rệt.

  • Phân đen

Máu chảy từ khối u thực quản đi qua đường tiêu hóa khiến phân có màu đen sậm . Tình trạng máu có thể dẫn đến thiếu máu, khiến cơ thể người bệnh ngày càng suy kiệt, mệt mỏi.

Xảy ra khi ung thư xâm lấn dây thần kinh quặt ngược thanh quản (dây thần kinh quặt ngược thanh quản có vai trò điều khiển hoạt động dây thanh). Khàn tiếng kéo dài, không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc không cải thiện với các thuốc kháng viêm.

  • Khó tiêu, ợ hơi, ợ chua

Triệu chứng người bệnh có thể gặp bao gồm đau hoặc khó chịu ở vùng bụng trên, hoặc cảm giác nóng rát sau xương ức, hoặc ợ hơi, ợ chua. Các triệu chứng có thể xảy ra cùng lúc hoặc riêng lẻ, thường xuất hiện sau khi ăn.

Khi phát hiện có các triệu chứng nghi ngờ ung thư thực quản, mọi người hãy đến cơ sở y tế khám kiểm tra sớm nhất có thể.

  • Tăng tiết nước bọt

Do thức ăn bị nghẹt tại thực quản, nước bọt không thể theo thức ăn xuống dạ dày, người bệnh sẽ cảm giác có nhiều nước bọt trong họng và phải nhổ nước bọt thường xuyên hơn.

  • Nôn

Người bệnh sẽ có biểu hiện nôn khi có tình trạng nuốt nghẹn rõ rệt. Nôn có thể xảy ra trong bữa ăn, hoặc ngay sau khi ăn. Chất nôn là thức ăn vừa mới ăn vào không có lẫn dịch vị (dịch tiêu hóa của dạ dày) do thức ăn chưa đến được dạ dày, có thể lẫn ít máu trong chất nôn. Khi bệnh diễn tiến nặng, tình trạng nôn có thể xuất hiện thường xuyên hơn.

  • Mệt mỏi

Người bệnh xuất hiện các dấu hiệu mệt mỏi, khó chịu, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, có thể thiếu máu.

2.Các biện pháp phòng ngừa ung thư thực quản

 2.1. Mỗi người cần tuân thủ biện pháp chung phòng các bệnh ung thư như:

- Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn tới khoảng 21% tổng số ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới, trong đó 90% ung thư phổi, 75% ung thư miệng, thực quản, hạ họng thanh quản.

 - Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý: Việc ăn nhiều mỡ, gia vị, ăn các loại thức ăn bị mốc sẽ sản sinh chất  gây ung thư, ăn thức ăn quá nóng hoặc uống nước quá nóng là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ung thư.

          - Tránh lạm dụng rượu, bia:Nghiện rượu, bia có thể sẽ gây ung thư gan, khoang miệng, thực quản, phần trên thanh quản, dạ dày và đại tràng.

- Chống thừa cân, béo phì: Người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc các loại ung thư cao hơn người bình thường và là nguyên nhân dẫn tới khoảng 20% các loại ung thư như ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan, buồng trứng, tuỵ, ung thư vú sau mãn kinh.

- Nhiễm trùng: Một số virus là nguyên nhân gây ung thư ở người, virus viêm gan B, virus Epstein – Barr, virus bướu gai (HPV)...

  - Xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực: Lối sống ít vận động, không điều độ cũng là nguyên nhân dẫn tới khoảng 5% các trường hợp tử vong do ung thư.

2.2. Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm

Để chẩn đoán ung thư thực quản, bác sĩ cần khám lâm sàng để có chẩn đoán ban đầu và đánh giá toàn thể tình trạng của người bệnh, để chẩn đoán xác định cần dựa vào nội soi và sinh thiết tổn thương để có kết quả về mô bệnh học, tế bào.

Các phương điều trị chính cho ung thư thực quản là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, miễn dịch hoặc kết hợp các phương pháp với nhau.

Khi ung thư thực quản ở giai đoạn muộn và có di căn xa, điều trị tùy vào tổn thương di căn, kết hợp nhiều phương pháp cùng với điều trị triệu chứng, dinh dưỡng cho người bệnh.

Để ung thư thực quản được phát hiện sớm, cần được khám sức khỏe định kỳ mỗi 3-6 tháng/lần, nhất là khi có biểu hiện nghi ngờ cần tới ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. Những người từ 40 tuổi trở lên hoặc có yếu tố nguy cơ nên tầm soát ung thư thực quản để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các nguy cơ có thể phát triển thành ung thư. Việc phát hiện ung thư thực quản ở giai đoạn sớm sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong điều trị và cải thiện cuộc sống cho người bệnh./.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB