• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình ban hành Công điện khẩn khi mực nước các sông đều dâng cao

Vào hồi 12h00’ ngày 10 tháng 9 năm 2024, ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã ký Công điện khẩn số 16/CĐ-PCTT.

Hiện nay, hồ Hòa Bình đang mở 02 cửa xả đáy, hồ Tuyên Quang đang mở 07 cửa xả đáy, mực nước các trạm trên hệ thống sông Hồng đang lên rất nhanh, hồi 12h00' ngày 10/9 tại trạm Tiến Đức là 5,66m (vượt báo động II: 0,06m) và sẽ còn tiếp tục lên, có diễn biến phức tạp.

Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do lũ gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh ra lệnh báo động số II trên sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa.

Yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành:

1. Thực hiện nghiêm các Công điện: Số 13/CĐ-PCTT hồi 03h00' ngày 10/9/2024, số 15/CĐ-PCTT hồi 10h00' ngày 10/9/2024 và Công văn số 87/BCH-PCTT ngày 09/9/2024 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện: Hưng Hà, Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Thái Bình, Nam Thái Bình chỉ đạo thực hiện:

- Tuần tra, canh gác ngày, đêm đê điều theo lệnh báo động số II trên sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa; tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những diễn biến, hư hỏng của đê, kè, cống do lũ gây ra, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu đê điều theo phương châm "Bốn tại chỗ". Rà soát việc chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện để sẵn sàng xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu;

- Khẩn trương triển khai phương án bảo vệ an toàn cho người dân sinh sống ở vùng bờ bao, đê bối. Đối với các tuyến bờ bao, đê bối, đặc biệt là nơi có dân sinh sống, xét thấy khả năng không an toàn phải chủ động cho nước vào để đề phòng vỡ đột ngột gây thiệt hại về người và tài sản sau khi đã di dời người và tài sản vào trong đê chính;

- Thả phao dự phòng ở tất cả các cống dưới đê; đối với các cống đang tiêu nước tự chảy các đơn vị thủy nông thường trực 24/24h theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước, khi mực nước lũ trên sông lên nhanh không tiêu được phải khẩn trương đóng cống và thả phao dự phòng, đồng thời thực hiện nghiêm quy chế đóng, mở công dưới đê trong mùa lũ bão theo quy định.

3. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh và toàn bộ cán bộ kỹ thuật làm công tác phòng, chống thiên tai, lụt bão năm 2024 tại các huyện: Hưng Hà, Vũ Thư, Quỳnh Phụ, Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải phải thường trực vị trí được phân công, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu đê, kè, cống để tham mưu biện pháp xử lý sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu.

4. Các cơ quan truyền thông, báo chí, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tăng cường tuyên truyền, phát tin kể cả truyền thanh lưu động để tổ chức, người dân biết diễn biến của lũ và các chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để chủ động phòng, chống lũ, tránh tư tưởng lơ là, chủ quan.

5. Có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng của lực lượng trực tiếp tham gia chống lũ. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn đề kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ; trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.


Tác giả: Bs Trần Hương
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB