• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh Dại

Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 29/5/2023 Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh Dại, Sở Y tế đã ban hành Công văn yêu cầu các đơn vị trong ngành triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại. 

Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cập nhật, theo dõi, giám sát diễn biến tình hình dịch bệnh Dại trên người. Phân tích đánh giá nguy cơ dịch bệnh trong tỉnh để kịp thời tham mưu Sở Y tế triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời hiệu quả. Duy trì hỗ trợ chuyên môn các cơ sở y tế, các phòng tiêm chủng dịch vụ triển khai tiêm chủng vắc xin và huyết thanh kháng Dại. Đảm bảo nguồn cung cấp vắc xin và huyết thanh kháng Dại trên địa bàn tỉnh. Căn cứ số ca bệnh Dại, số nghi mắc được báo cáo để dự trù phù hợp lượng vắc xin và huyết thanh kháng Dại tại Trung tâm để đảm bảo sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho người dân. Phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh công tác truyền thông và phổ biến các nội dung tuyên truyền phòng chống bệnh Dại trên các phương tiện thông tin đại chúng theo hướng dẫn; Hướng dẫn các hoạt động truyền thông về bệnh Dại đối với các Trung tâm Y tế huyện, thành phố. Tổng hợp định kỳ hàng tháng các cơ sở tiêm vắc xin Dại, huyết thanh kháng Dại trên địa bàn toàn tỉnh, gửi thông tin để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế và các cơ quan thông tin truyền thông đại chúng của tỉnh trước ngày 28 hàng tháng.

Trung tâm Y tế huyện, thành phố chủ  động giám sát dịch tễ các trường hợp người nghi bị phơi nhiễm với vi rút Dại đến khám và điều trị dự phòng tại các điểm tiêm phòng Dại và các trường hợp nghi Dại điều trị tại các cơ sở y tế và cộng đồng. Phối hợp cơ quan thú y trong giám sát phát hiện, chia sẻ thông tin tình hình bệnh Dại tại địa phương. Tập trung điều tra, giám sát và xử lý ổ dịch trong tình huống phát sinh ca bệnh Dại trên người và đàn động vật tại địa bàn quản lý. Đảm bảo duy trì có ít nhất 01 điểm tiêm chủng vắc xin, tiêm huyết thanh kháng Dại trên địa bàn quản lý để phục vụ công tác điều trị dự phòng, tiêm chủng cho người bị chó, mèo cắn, người có nguy cơ cao phơi nhiễm bệnh Dại. Tổng hợp báo cáo định kỳ cơ sở cơ sở tiêm vắc xin Dại, huyết thanh kháng Dại trên địa bàn huyện, thành phố; gửi báo cáo trước ngày 26 hàng tháng về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để tổng hợp; đồng thời gửi đăng tải trên cổng thông tin điện tử của huyện, thành phố, trang thông tin điện tử của đơn vị (nếu có) và thông tin trên hệ thống truyền thông công cộng để người dân được biết. Tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường hoạt động tuyên truyền phòng chống bệnh Dại tại các nhà trường và trong cộng đồng dân cư để nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh Dại, cách xử lý khi bị chó, mèo cắn và biện pháp phòng chống bệnh Dại trên người. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo theo dõi đối tượng theo quy định tại Quyết định 1622/QĐ-BYT ngày 08/5/2014 và Thông tư 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.

Các cơ sở, đơn vị y tế tăng cường truyền thông tuyên truyền về bệnh Dại tại cơ quan, đơn vị. Các cơ sở khám chữa bệnh khi có trường hợp người bị chó, mèo cắn tới khám và điều trị thì thực hiện xử lý vết thương theo quy trình quy định và vận động, tư vấn, tiêm phòng vắc xin hoặc huyết thanh Dại cho bệnh nhân phù hợp hoặc tư vấn cho bệnh nhân đến tiêm tại các cơ sở y tế khác có vắc xin, huyết thanh kháng Dại. Thông tin trường hợp người bị chó, mèo cắn tới khám và điều trị cho Trung tâm Y tế huyện, thành phố trên địa bàn để thực hiện giám sát. Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện, thành phố trong hoạt động giám sát điều tra ca bệnh, ca nghi nhiễm Dại có tiền sử dịch tễ liên quan trên địa bàn. Các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cần báo cáo ngay đến Trung tâm Y tế huyện, thành phố các trường hợp người nghi bị phơi nhiễm với vi rút Dại đến khám và điều trị dự phòng. Đảm bảo đúng quy trình, quy định trong hoạt động tiêm chủng vắc xin nói chung và tiêm vắc xin Dại, huyết thanh kháng Dại nói riêng. 

Sau đây là biểu hiện của bệnh Dại

- Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới 1 vài  tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương…Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài…thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

- Giai đoạn tiền triệu chứng:1-4 ngày, cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, tê và đau vùng vết thương nơi vi rút xâm nhập.

- Giai đoạn viêm não: mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như, sợ ánh sang, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra rối loạn thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tiết nước bọt, hạ huyết áp, đôi khi xuất tinh tự nhiên.

Bệnh thường kéo dài 2-6 ngày, thường chết do liệt cơ hô hấp.

Chẩn đoán Dại thường dựa vào các biểu hiện: người bệnh sau khi bị chó, mèo cắn mà có biểu hiện sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng.

 Cách chữa trị bệnh Dại

 

Cho đến nay bệnh Dại chưa có thuốc chữa đặc hiệu, người bị bệnh Dại gần như tử vong 100%. Bệnh Dại nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh Dại.

Phòng bệnh Dại: Để chủ động phòng, chống bệnh Dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. 

2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

4. Cách ly, theo dõi những con chó, mèo mắc và nghi mắc bệnh Dại.

5. Vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường thức ăn, chất thải, các vật dụng tiếp xúc với con vật mắc bệnh.

6. Tiêm bắt buộc những con chó, mèo trong ổ dịch và các thôn tiếp giáp, tiêu huỷ những con chó mèo nếu không tiêm phòng.

7. Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn Iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

- Đến ngay Trung tâm Y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại.

- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại. 

- Nếu bị chó mèo cắn, cần theo dõi trong vòng 10 ngày, nếu chó mèo phát dại, chết hoặc bị mất tích hay bị giết thịt thì cần nhanh chóng đi tiêm càng sớm càng tốt, tiêm kết hợp cả vắc xin và huyết thanh. Nếu con vật còn sống, cần theo dõi để không tiêm vắc xin hoặc hoãn tiêm.

8. Xử lý môi trường, khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực có người mắc bệnh Dại: Giường, chiếu, chăn màn, quần áo, đồ dùng cá nhân. Nếu người mắc bệnh Dại chết thì áp dụng các biện pháp khử khuẩn môi trường, dự phòng lây nhiễm trong khi khâm liệm, tốt nhất là nên hoả thiêu để tránh làm lây lan vi rút Dại ra môi trường.

9. Những người chăm sóc người mắc bệnh Dại nếu nghi bị người bệnh cào cấu, cắn hay bị dây vào nước bọt của người bệnh Dại cần được tiêm phòng vắc xin Dại cùng với huyết thanh kháng Dại càng sớm càng tốt./.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết