Thêm một biện pháp dự phòng lây nhiễm với HIV
HIV là một bệnh truyền nhiễm (lây truyền từ người sang người) do đó không những ảnh hưởng đến cá nhân từng người mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng.
HIV lây truyền qua 3 đường đó là đường máu, đường quan hệ tình dục không an toàn và đường mẹ truyền sang con.
Tuy nhiên HIV hoàn toàn có thể dự phòng được.
Từ trước tới nay để dự phòng lây nhiễm HIV chúng ta đã thực hiện các biện pháp sau đây:
- Đối với lây truyền qua đường máu: Cần hạn chế trao đổi các chế phẩm liên quan đến máu, Thực hành tiêm chích an toàn, dùng riêng bơm kim tiêm, BKT sạch, Không dùng chung các vật sắc nhọn hàng ngày.
- Đối với lây truyền qua đường tình dục: Cần thực hiện chung thủy 1 vợ 1 chồng, và dùng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục để phòng trách các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS.
- Đối với lây truyền từ mẹ sang con: Cần phải khám thai sớm và định kỳ nhằm phát hiện sớm lây nhiễm HIV để được cấp thuốc điều trị dự phòng, giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm mẹ con ở mức thấp nhất.
Hiện nay do điều kiện y học phát triển, trên thế giới, các bằng chứng khoa học đã chứng minh hiệu quả điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng vi vus HIV (ARV). Đây là biện pháp dự phòng lây nhiễm mới nhưng đã chứng minh tính hiệu quả rất cao trong phòng, chống lây nhiễm với HIV/AIDS và đã được rất nhiều nước triển khai trong đó có Việt Nam triển khai thí điểm từ năm 2018.
Để đáp ứng nhu cầu phòng lây nhiễm với HIV/AIDS, Ngày 28/9/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5866/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2018-2020 và Quyết định số 5154/QĐ-BYT ngày 11/12/2020 về kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2021-2025. Đến nay chương trình này đã được triển khai rộng khắp ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước và đã thu được kết quả rất khả quan./.