• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ 1-7/8: Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo đáp ứng đủ nhu cầu cho sự phát triển toàn diện của trẻ, đồng thời bảo vệ trẻ trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm ngày một gia tăng.Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và lợi ích cho xã hội.

Lợi ích đối với trẻ: Trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết bao gồm tinh bột, chất đạm, chất béo và các vitamin, khoáng chất với tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Bú mẹ, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ, phòng được suy dinh dưỡng, giảm nguy cơ béo phì ở trẻ. Sữa mẹ là thức ăn sạch sẽ, an toàn, dễ tiêu hóa và chứa các kháng thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các bệnh thông thường ở trẻ em như tiêu chảy và viêm phổi, hai nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới và giúp giảm mức độ trầm trọng, phục hồi nhanh hơn nếu trẻ bị bệnh. Bên cạnh đó, bảo vệ trẻ khỏi dị ứng và không dung nạp thức ăn.

Lợi ích đối với bà mẹ: Khi cho con bú, hormone oxytocin được tiết ra giúp tử cung co hồi tốt hơn, giúp giảm thiểu lượng máu mất trong thời kỳ hậu sản. Ngoài ra, khi trẻ bú, tuyến yên sẽ tiết ra hormone prolactin, prolactin ức chế rụng trứng, làm chậm có thai và có kinh trở lại sau sinh. Bên cạnh đó, nuôi con bằng sữa mẹ giúp mẹ giảm nguy cơ ung thư vú, buồng trứng và trầm cảm sau sinh. Trẻ bú mẹ còn giúp người mẹ nhanh lấy lại vóc dáng, tăng cường tình cảm mẹ con, mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình vì không cần dùng sữa công thức.

Lợi ích đối với xã hội: Nuôi con bằng sữa mẹ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí y tế, thuốc men cho trẻ khi mắc các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp do không được bú mẹ. Sữa mẹ cũng là một nguồn thực phẩm sạch, góp phần bảo vệ môi trường nhờ giảm thiểu các chất thải có hại.

Việc duy trì nuôi con bằng sữa mẹ tới khi trẻ 2 tuổi giúp trẻ được bú mẹ có nguồn dinh dưỡng tốt nhất, giảm nguy cơ bệnh tật cho cả mẹ và con; gia đình cũng có thể tiết kiệm được khoảng 12% thu nhập khi không phải mua sữa công thức và giảm rất nhiều chi phí khám chữa bệnh.

Hiện nay, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. Tại Việt Nam, lao động nữ chiếm gần một nửa (48%) lực lượng lao động cả nước. Luật Lao động sửa đổi năm 2012 quy định lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng giúp người mẹ có điều kiện tốt hơn để nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và chăm sóc con tốt hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến hai tuổi vẫn còn thấp, chỉ ở mức 26% (năm 2020). Một trong những nguyên nhân là do người mẹ chưa có sự chuẩn bị tốt, chưa được hỗ trợ tại nơi làm việc để duy trì nuôi con bằng sữa mẹ khi quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản.

Để tiếp tục duy trì nuôi con bằng sữa mẹ khi đi làm, người mẹ có thể thương lượng với người sử dụng lao động cho phép mình sắp xếp thời gian làm việc linh động để có khoảng thời gian vắt sữa cho con tại nơi làm việc. Ngoài ra, người mẹ phải biết cách duy trì nguồn sữa khi đã đi làm, để tránh bị mất sữa.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB