Viêm gan C – Căn bệnh thầm lặng nhưng nguy hiểm
Viêm gan C là một bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan C (HCV) gây ra, chủ yếu tấn công gan và có thể dẫn đến những tổn thương gan nghiêm trọng như xơ gan, suy gan và ung thư gan. Điều đáng lo ngại là phần lớn người mắc viêm gan C không có triệu chứng rõ rệt trong giai đoạn đầu, khiến bệnh âm thầm tiến triển trong nhiều năm mà không được phát hiện.
Virus viêm gan C lây truyền qua đường máu là chủ yếu. Những con đường lây nhiễm phổ biến bao gồm: dùng chung kim tiêm, truyền máu hoặc các chế phẩm máu chưa được kiểm tra, dùng chung dụng cụ cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng với người nhiễm bệnh. Ngoài ra, viêm gan C cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở hoặc qua quan hệ tình dục không an toàn, tuy nhiên tỷ lệ này thấp hơn so với các đường lây qua máu.
Người bệnh viêm gan C có thể không có biểu hiện gì trong nhiều năm, nhưng khi bệnh tiến triển, các triệu chứng như mệt mỏi, vàng da, đau tức vùng gan, chán ăn, buồn nôn bắt đầu xuất hiện. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển đến xơ gan, một số trường hợp có thể dẫn đến ung thư gan.
Hiện nay viêm gan C có thể được điều trị khỏi hoàn toàn bằng thuốc kháng virus đặc hiệu (DAAs) với thời gian điều trị ngắn (khoảng 8–12 tuần) và hiệu quả cao (trên 95%). Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh sớm là yếu tố then chốt giúp điều trị hiệu quả, tránh biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, những người thuộc nhóm nguy cơ cao nên chủ động xét nghiệm tầm soát viêm gan C, nhất là những người từng truyền máu, phẫu thuật, can thiệp y tế trước năm 1993 (trước khi có xét nghiệm HCV rộng rãi), hoặc có tiền sử dùng chung kim tiêm.
Phần lớn người mắc bệnh viêm gan C mạn tính cũng không có triệu chứng gì, chỉ khi bị xơ gan hoặc ung thư gan mới thể hiện các triệu chứng của bệnh. Biến chứng xơ gan chiếm khoảng 10 - 20% trong các bệnh nhân viêm gan C mạn: đây là kết quả là tổn thương gan (gọi là xơ hóa ) có thể lan rộng và dẫn đến xơ gan. Xơ gan là một bệnh nặng có nhiều biến chứng nghiêm trọng nên phải điều trị tích cực.Biến chứng ung thư gan chiếm khoảng 5% trong các bệnh nhân viêm gan C mạn. Nếu không điều trị, xơ gan sẽ dẫn đến những biến chứng nặng và ung thư gan.
Tuy hiện tại chưa có vắc xin phòng bệnh viêm gan C, nhưng việc tuân thủ các biện pháp an toàn trong sinh hoạt và y tế sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả sự lây lan của virus này. Tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm là biện pháp quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan C: Tránh dùng chung các vật dụng như kim tiêm, ống tiêm, thìa, tăm bông, dao cạo rau, bàn chải đánh răng…Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su; Hạn chế xăm hình, xỏ khuyên, nếu có, nên lựa chọn cơ sở uy tín; Không nhận truyền máu hoặc ghép nội tạng từ người hiến tặng bị nhiễm viêm gan siêu vi C.
Ngoài các biện pháp kể trên, mỗi người cũng cần duy trì một lối sống lành mạnh, kiểm soát cân nặng ổn định, hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây hại cho gan như thuốc lá, rượu bia, chất kích thích, hóa chất… Ngoài ra, việc thăm khám sức khỏe định kỳ cũng rất quan trọng, giúp phát hiện và điều trị kịp thời các tổn thương gan có thể gặp phải, bao gồm nhiễm virus viêm gan C.
Viêm gan C là căn bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát và chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe và lá gan của bạn từ hôm nay.