“Bỏ ngay còn kịp”
Trong tháng 10/2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Bình phối hợp với các huyện Đông Hưng, Thái Thụy, Quỳnh Phụ tổ chức biểu diễn tiểu phẩm truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá tại cộng đồng dân cư trên địa bàn.
“Bỏ ngay còn kịp”- đó là chủ đề và nội dung chính của buổi truyền thông, tại mỗi nơi được truyền thông, sau khi xem tiểu phẩm lãnh đạo, cán bộ, người dân một lần nữa đã hiểu đầy đủ hơn về tác hại của khói thuốc lá, một trong những nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh ung thư nguy hiểm đối với sức khỏe con người hiện nay. Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người hút mà khói thuốc còn ảnh hưởng tới sức khỏe những người xung quanh, gây tổn thất về kinh tế đối với gia đình và xã hội.
Thái Thụy là huyện vẫn còn một số địa phương có truyền thống trồng và sản xuất thuốc lào, tiểu phẩm biểu diễn tại 04 xã Thụy Xuân, Hòa An, Thị trấn Diêm Điền và Thái Thượng đã giúp cho hàng nghìn người có kiến thức sâu sắc hơn về tác hại của thuốc lá, thuốc lào đối với sức khỏe. Hình thức sân khấu hóa truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá như thế này sẽ mang lại hiệu quả truyền thông rõ rệt hơn.
Bà Phạm Thị Nguyệt – xã Thụy Xuân – huyện Thái Thụy sau khi tham dự buổi biểu diễn tiểu phẩm đã hăng hái cho biết: Sau buổi truyền thông này, tôi sẽ tích cực tuyên truyền cho người thân, những người xung quanh ai còn hút thuốc lá, thuốc lào sẽ sớm từ bỏ thuốc lá, ai chưa hút thì đừng bao giờ thử hút. Bởi hậu quả mà thuốc lá, thuốc lào để lại vô cùng nặng nề và đau đớn.
Buổi biểu diễn tiểu phẩm truyền thông đã truyền tải thành công thông điệp ý nghĩa “Bỏ ngay còn kịp” được đông đảo ban, ngành, đoàn thể và người dân tham dự, ủng hộ. Đây là hình thức truyền thông sân khấu hóa, vừa có yếu tố kịch tính vừa có hài kịch, mang đến câu chuyện chúng ta có thể gặp ở bất cứ nơi nào hiện nay, những hình ảnh rất gần gũi với người dân. Thông qua câu chuyện đó, từ nhận thức đến hành động tất cả đều có thể góp phần nói không với thuốc lá.
Ông Tạ Đức Hinh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòa An (Thái Thụy) chia sẻ: Thực tế tại địa phương chúng tôi vẫn còn truyền thống trồng cây thuốc lào, còn nhiều người chưa hiểu hết về tác hại của nó. Việc thể hiện truyền thông bằng hình thức này về thuốc lá rất dễ hiểu, dễ nhớ, các nội dung rất sâu lắng, đầy đủ, có tác dụng tuyên truyền rất tốt trong cộng đồng dân cư, thanh thiếu niên. Việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá sớm sẽ giúp ngăn ngừa việc bắt đầu hút thuốc lá từ lứa tuổi học sinh và giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở tuổi trưởng thành, giúp cho cộng đồng dân cư tránh xa khói thuốc lá. Đối với địa phương sẽ dần dần vận động người dân tìm những loại cây trồng năng suất khác để thay thế cây thuốc lào.
Việc giúp một người từ bỏ hút thuốc lá thực sự là điều không dễ dàng. Nhiều người gặp khó khăn khi cai thuốc lá, hoặc dễ bị tái nghiện sau một thời gian ngừng sử dụng. Chính vì vậy, chọn cách thức truyền thông phù hợp chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp người dân nhận thức được tác hại thực sự của thuốc lá gây ra đối với sức khỏe con người, thuốc lá đem đến cái chết từ từ và đau đớn. Hiếm có sản phẩm nào được con người sử dụng hàng ngày lại gây độc hại cho sức khỏe như thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới đã xác định, có tới 25 căn bệnh nguy hiểm liên quan đến thuốc lá. Theo số liệu mới nhất từ tổ chức này, mỗi năm toàn cầu có hơn 8 triệu ca tử vong vì thuốc lá, trong đó có 7 triệu người hút thuốc lá chủ động, 1,2 triệu người hút thuốc thụ động. Chính vì vậy, nhiều năm gần đây truyền thông luôn được chú trọng, đã góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong cộng đồng, có rất nhiều người ủng hộ hoạt động truyền thông và đã giảm hút, nhiều người đã bỏ hẳn được thuốc lá và nhiều học sinh đã nói không với thuốc lá ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường./.