Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu trong mùa dịch bệnh COVID-19
Khác với mọi năm, Tết trung thu năm nay các em nhỏ phải đón Tết Trung thu trong điều kiện cả nước căng mình phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thậm chí nhiều tỉnh thành trong cả nước vẫn phải thực hiện giãn cách xã hội, nên phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, giữ khoảng cách theo quy định, đây là thiệt thòi lớn cho các em nhỏ.
Mặc dù vậy, để đảm bảo cho các các em nhỏ có một cái Tết Trung thu đầm ấm, ý nghĩa, an toàn thì các sản phẩm bánh kẹo phục vụ Trung thu vẫn phải đảm bảo đa dạng, phong phú về mẫu mã, màu sắc đặc biệt đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Hiện nay, phần lớn cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, nhưng cũng vẫn còn một số tổ chức, cá nhân vì chạy theo lợi nhuận, chưa tuân thủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng.Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn số 1632/ATTP-NĐTT ngày 26/8/2021 đề nghị Uỷ ban nhân dân, Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh, thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh căn cứ tình hình thực tế địa phương, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, triển khai các nội dung sau:
1.Đối với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội:
Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, lồng ghép với tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19. Nội dung tuyên truyền cho các đối tượng như sau:
- Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển thực phẩm. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19 trong sản xuất như nguyên tắc 3 tại chỗ, một cung đường hai điểm đến...
- Đối với người tiêu dùng: Hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định của Bộ Y tế. Lưu ý kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng khi mua sản phẩm thực phẩm qua hình thức trực tuyến.
2. Đối với các tỉnh/thành phố không trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trong phòng chống dịch bệnh COVID-19:
- Tăng cường tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và lưu thông sản phẩm thực phẩm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
- Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các hoạt động phù hợp tình hình thực tế để kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, trong đó tập trung, ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, chợ đầu mối…
3. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
4. Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.
Công văn cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tuyệt đối tuân thủ các quy định về An toàn thực phẩm, phối hợp với việc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID -19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và của tỉnh. Mọi người dân và trẻ em cần thực hiện ăn chín, uống sôi, lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, các sản phẩm bánh kẹo của các cơ sở được cấp phép ATTP để có một cái Tết trung thu an toàn, vui tươi, lành mạnh cho các cháu thiếu nhi./.