• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mỗi cơ sở y tế là một pháo đài vững chắc, mỗi cán bộ y tế là chiến sĩ trên tuyến đầu trong pháo đài đó

        Sáng 05/8/2020, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp giao ban định kỳ với Giám đốc Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố. GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị đã nhấn mạnh lại quan điểm, chỉ đạo của chính phủ: "mỗi cơ sở y tế là một pháo đài vững chắc, mỗi cán bộ y tế là chiến sĩ trên tuyến đầu trong pháo đài đó".

        Tại cuộc họp giao ban, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế  cảnh báo dịch lần này khó khăn hơn nhiều, tốc độ lây lan nhanh hơn, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh tại cộng đồng, gia đình. Điều này đặt ra thách thức lớn là phải khẩn trương, quyết liệt, làm rất mạnh và phải cương quyết tất cả biện pháp phòng dịch nhằm hạn chế những ảnh hưởng của dịch bệnh tới sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế xã hội.

       Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhắc lại nội dung trong bức thư mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới các cán bộ y tế, những "chiến sĩ áo trắng" – "những người hùng của Nhân dân", những tình cảm yêu thương, động viên, chia sẻ của Thủ tướng càng thôi thúc chúng ta phải quyết tâm hơn nữa, cố gắng hơn nữa, đoàn kết hơn nữa để cùng chiến thắng đại dịch, đồng thời yêu cầu ngành Y tế phải coi "mỗi cơ sở y tế là một pháo đài vững chắc, mỗi cán bộ y tế là chiến sĩ trên tuyến đầu trong pháo đài đó".

        Đối với đợt dịch lần này, Quyền Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải khẩn trương, làm rất mạnh và phải cương quyết tất cả biện pháp để hạn chế ảnh hưởng tới sự phát triển KTXH". Tăng cường tập huấn, chuẩn bị ngay nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho mọi tình huống dịch bệnh; Không chờ thẩm định về năng lực xét nghiệm mà các đơn vị có con người, có trang thiết bị và đủ tiêu chuẩn phòng an toàn sinh học cấp 2. Chỉ cần thẩm định trong trường hợp đơn vị đó muốn công bố ca bệnh dương tính.

       Quyền Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương cần rà soát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo đã được Bộ Y tế, các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ đã ban hành đầy đủ. Trên cơ sở các hướng dẫn Bộ đã ban hành, phải rà soát lại cơ sở vật chất kể cả trong tình huống phải thành lập bệnh viện dã chiến. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc, địa phương phải trao đổi lại với Bộ Y tế để điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể hơn.

       Các địa phương cũng cần chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho tình huống dịch lan rộng. Kể cả đối với các địa phương khi chưa có dịch cũng phải chuẩn bị tình huống này. Do đó các địa phương phải phân định rõ, về phòng chống dịch, cơ sở nào điều trị bệnh nhân dương tính, cơ sở nào sử dụng trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân trong địa phương mình. Đồng thời phải lên kịch bản rất chi tiết, đầy đủ cho vấn đề nhân lực. Cùng đó, đào tạo tập huấn cho cán bộ y tế (kể cả cán bộ đang làm việc, đã nghỉ hưu hay sinh viên trường Y).

      Bên cạnh đó, Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố phải rà soát lại các cơ sở xét nghiệm trên địa bàn; yêu cầu khẩn trương thiết lập các cơ sở xét nghiệm, sao cho có thể xét nghiệm trên diện rộng với các trường hợp nghi ngờ, như vậy, mới phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh. Riêng về máy thở, Quyền Bộ trưởng khẳng định "không nên lo lắng", Bộ sẽ có hướng hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, nhưng về trang thiết bị phòng hộ, khẩu trang, xét nghiệm... phải tự đảm bảo đầy đủ để phòng, chống dịch.

        Cục Quản lý - Khám chữa bệnh đã chủ động ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, do đó các cơ sở y tế trên toàn quốc phải quán triệt áp dụng ngay, đặc biệt thực hiện đúng việc giãn cách bệnh nhân - cấp thuốc 3 tháng đối với người bệnh cao tuổi, mắc bệnh mạn tính, phân luồng, sàng lọc, cách ly người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ. Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh: "Đừng để chỉ một bệnh nhân mà phải phong toả cả bệnh viện. Phải phân luồng, phân tuyến ngay từ đầu, để khi không may có bệnh nhân thì lúc đó chỉ có khu vực có bệnh nhân mới áp dụng triệt để biện pháp phòng lây nhiễm".

       Các cơ sở y tế cũng phải khuyến cáo người dân hạn chế đến cơ sở y tế, hạn chế thăm nuôi, hạn chế khám chữa bệnh định kỳ,  có thể chuyển về y tế cơ sở . Các cơ sở y tế yêu cầu người đến khám bệnh và nhân viên y tế phải cài đặt phần mềm Bluezone giúp cảnh báo nguy cơ lây nhiễm và phục vụ công tác truy vết, giám sát. Các Bệnh viện phải xác định  khoa Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Thận nhân tạo, các khoa can thiệp hay các trường hợp ung thư giai đoạn cuối... là điểm yếu cần phải bảo vệ cốt tử, vì nếu dịch đánh đúng vào đó, số tử vong sẽ lớn. Tại những khoa này, có nhiều bệnh nhân đã phụ thuộc máy móc, sự sống rất mong manh. Nếu thêm COVID-19 thì họ không thể qua khỏi như 08 trường hợp ở Đà Nẵng.

            Nhâm Thúy Liễu

 

 


Tác giả: Nhâm Thúy Liễu
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết