• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: Hiệu quả sau 05 năm triển khai Đề án điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone

Với mục đích làm giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp, dự phòng lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu cho những người nghiện,05 năm qua, Thái Bình đã triển khai Đề án điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc và đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.Bên cạnh những khó khăn, thách thức, việc triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại tỉnh trong 05 năm qua đã khẳng định đây là giải pháp tối ưu, mang lại hiệu quả tích cực cho người nghiện ma túy, giúp cho người nghiện có sức khỏe ổn định, tinh thần, thể chất được cải thiện, ổn định kinh tế gia đình, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

          Hiện nay, toàn tỉnh có 09 cơ sở điều trị Methadone và 07 cơ sở cấp phát thuốc và đang điều trị cho 1.378 bệnh nhân. Thời gian qua, các cơ sở điều trị Methadone trong tỉnh đều hoạt động có hiệu quả. Theo đánh giá của các Cơ sở điều trị, hầu hết bệnh nhân đều có chuyển biến tích cực về mặt sức khỏe, tình trạng tái sử dụng ma túy giảm rõ rệt, kinh tế gia đình được cải thiện do người bệnh đã tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định trang trải cho bản thân, hỗ trợ gia đình. Tình hình an ninh trật tự tại các địa phương ổn định, tình trạng trộm cắp liên quan đến người nghiện ma túy giảm rõ rệt.Trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện của ngành Y tế đã được tăng cường, nhất là sự phối hợp, giám sát hoạt động giữa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh với các Trung tâm Y tế huyện, thành phố, từ đó đã khắc phục những hạn chế, tăng cường quản lý và hoạt động chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng điều trị. 100% các Cơ sở điều trị và Cơ sở cấp phát thuốc thực hiện đúng quy trình điều trị theo hướng dẫn tại Quyết định 3140/ QĐ-BYT ngày 30/8/2010 về việc ban hành Hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Hệ thống văn bản, hướng dẫn các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật được cán bộ làm việc tại cơ sở cập nhật thường xuyên. Đội ngũ cán bộ y tế đều nhiệt tình, trách nhiệm với công việc được giao; được đào tạo chuyên môn về điều trị Methadone. Nhiều cán bộ đã gắn bó với công tác điều trị Methadone từ những giai đoạn đầu khi mới triển khai chương trình. Hoạt động giám sát, hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua hệ thống bệnh án điện tử ) tại các Cơ sở điều trị và Cơ sở cấp phát thuốc Methadone trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần xử lý kịp thời các vấn đề đột xuất xảy ra tại các cơ sở. Cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại Trạm Y tế xã, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân về thời gian để bệnh nhân sau khi uống thuốc vẫn đảm bảo thời gian về đi làm, đặc biệt là những bệnh nhân có nghề nghiệp, công việc liên quan đến giờ làm việc hành chính. Việc triển khai phần mềm bệnh án điện tử giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, quản lý thuốc, khám và điều trị cho bệnh nhân, chuyển tiếp, chuyển gửi bệnh nhân được theo dõi một cách dễ dàng, khoa học, chặt chẽ về chuyên môn và giúp các cơ sở thu phí dịch vụ tốt hơn. 
          Về công tác xét nghiệm, tại 02 cơ sở (TTYT huyện Vũ Thư và Thành Phố) đã sử dụng test 4 chân để sàng lọc bệnh nhân đầu vào, điều này góp phần giúp cơ sở phân loại được bệnh nhân và loại trừ được các nguy cơ tiềm ẩn về nghiện ma túy tổng hợp. Việc lồng ghép tư vấn điều trị nghiện ma túy tổng hợp (ATS) đã được thực hiện tại một số cơ sở điều trị. Hàng năm, dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm HIV, bệnh nhân tại các cơ sở được xét nghiệm sàng lọc đầy đủ. Năm 2019, Cơ sở điều trị methadone - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình phát hiện 02 bệnh nhân nhiễm HIV mới và đưa vào điều trị. Các cơ sở khác không phát hiện trường hợp nào nhiễm mới. 
          Về chế độ chính sách, hiện tại 03 đơn vị là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình và TTYT Quỳnh Phụ, thành phố trả lương và phụ cấp cho cán bộ hợp đồng theo Nghị định 90/2016/NĐ-CP.   Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp không ít khó khăn bất cập như: chế độ đãi ngộ đối với cán bộ tham gia làm việc tại các cơ sở điều trị Methadone chưa có quy định cụ thể và cũng chưa có điều kiện để hỗ trợ thỏa đáng. Hiện tại còn tùy thuộc từng đơn vị, phải cân đối thu chi, thu được bao nhiêu cân đối chi bấy nhiêu hầu hết chưa phù hợp. Cán bộ kiêm nhiệm hưởng lương và phụ cấp từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Trung tâm Y tế huyện, thành phố ngoài phần làm thêm giờ không có khoản hỗ trợ nào khác. Trong khi điều trị Methadone là hoạt động đặc thù, hàng ngày cán bộ làm nhiệm vụ phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân là các thành phần có tính chất phức tạp do vậy có những áp lực, nguy cơ rủi ro có thể xảy ra. Nguyên nhân kinh phí hoạt động tại cơ sở chủ yếu phụ thuộc vào khoản phí thu của bệnh nhân. Tuy nhiên một số cơ sở số lượngbệnh nhân quá ít như: Kiến Xương, Vũ Thư, hoặc bị thất thoát do bệnh nhân nợ phí, không đóng như: Tiền Hải, Hung Hà. Hàng năm không có nguồn kinh phí hỗ trợ thường xuyên cho hoạt động điều trị Methadone. Cán bộ chịu áp lực về mặt thời gian làm việc: để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân, hầu hết các cơ sở cán bộ phải làm việc sớm hơn mỗi ngày, làm việc tất cả các ngày trong tuần kể cả thứ 7, chủ nhật, ngày lễ, Tết. Trong khi đó chế độ phụ cấp làm thêm giờ theo quy định thấp, không quá 200 giờ/người/năm. Môi trường làm việc nhiều áp lực, do bệnh nhân đa phần là đối tượng phức tạp, có tiền án, tiền sự, một số bệnh nhân trình độ văn hóa thấp, hay có những lời lẽ khiếm nhã xúc phạm, thậm chí có khi đe dọa cán bộ làm việc tại cơ sở. Còn gặp khó khăn trong việc thu dung bệnh nhân do ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. 
          Trước những hiệu quả và khó khăn của việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại các cơ sở trong tỉnh 05 năm qua, thời gian tới chương trình này cần được nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để những cán bộ làm việc tại các cơ sở điều trị Methadone yên tâm hơn trong công tác. Vì thực tế cho thấy, việc triển khai các hoạt động can thiệp như chương trình bơm kim tiêm, chương trình Methadone là rất cần thiết nhằm giảm tác hại do ma túy gây ra trong đó có nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm những người nghiện ma tuý, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội./. 


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết