Thái Bình: Tăng cường biện pháp phòng chống ngộ độc rượu và thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia
Theo thông tin từ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua đã tiếp nhận nhiều trường hợp phải cấp cứu có liên quan đến việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có hàm lượng methanol cao, trong đó đã có ca tử vong (Vĩnh Phúc); đặc biệt có 01 trường hợp ở Thái Bình nhiễm methanol rất cao, hôn mê nhiều ngày nay, có nguy cơ tử vong.
Thực hiện chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm tại Công văn số 173/ATTP-NĐTT ngày 01/02/2023 về tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu trên địa bàn; để tăng cường các biện pháp kiểm soát, phòng chống ngộ độc rượu trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ngày 08/02/2023 Sở Y tế ban hành Công văn số 182/SYT-ATTP về việc tăng cường biện pháp phòng chống ngộ độc rượu trên địa bàn yêu cầu các đơn vị gồm: các Bệnh viện Đa khoa tỉnh, huyện, thành phố, Bệnh viện Đa khoa ngoài công lập; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Phòng Y tế; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thực hiện các nội dung sau:
Chủ động giám sát, phát hiện và điều trị sớm các trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu, ngộ độc methanol, đặc biệt đối với các trường hợp có tiền sử nghiện rượu; Chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, thiết bị, dụng cụ cần thiết để cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc rượu (nếu có) để tránh các diễn biến xấu đối với sức khỏe bệnh nhân.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ động cập nhật, tuyên truyền và đăng tải các thông tin cảnh báo về nguy cơ ngộ độc rượu trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử của ngành và của đơn vị. Phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành Công thương tuyến tỉnh, huyện, thành phố tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công, các cơ sở dịch vụ ăn uống có bán rượu; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng lưu thông trên thị trường; truy tìm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu gây ngộ độc trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ động sẵn sàng phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành, các cơ quan liên quan trong công tác lấy mẫu, kiểm nghiệm định tính, định lượng các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, các chỉ tiêu chất lượng trong các sản phẩm rượu bảo đảm chính xác, kịp thời phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.
Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện, thành phố tham mưu cho UBND huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn tăng cường công tác thông tin, truyền thông, hướng dẫn cho người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu; không lạm dụng việc sử dụng bia, rượu và đồ uống có cồn; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu không có nhãn mác, không có nguồn gốc, xuất xứ, chưa được công bố chất lượng bán trôi nổi trên thị trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có bán rượu. Tuyên truyền cho người dân khi có biểu hiện nghi ngờ bị ngộ độc rượu cần thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được kịp thời cứu chữa. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, các trang thiết bị dụng cụ để xử lý kịp thời khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
Để hạn chế và ngăn ngừa các vụ ngộ độc do rượu, bia gây ra ngoài sự vào cuộc thực sự của các cấp, các ngành, các địa phương thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức cho bản thân và gia đình trong việc sử dụng rượu, bia nhất là các loại rượu, chất uống có cồn không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, các cấp, ngành và nhân dân cần tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia số 44/2019/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 14 tháng 6 năm 2019, hiệu lực thi hành từ 01/01/2020. Luật có 7 chương, 36 điều qui định các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Điều 22 Luật PCTH của rượu bia qui định Phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe như sau:
1. Các biện pháp phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe bao gồm:
a) Tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia cho người đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế;
b) Sàng lọc, phát hiện sớm yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe của người uống rượu, bia; người mắc bệnh, rối loạn chức năng do uống rượu, bia; người nghiện rượu, bia;
c) Can thiệp giảm tác hại cho người có yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, phụ nữ mang thai có hội chứng hoặc nguy cơ ngộ độc rượu ở thai nhi; phòng, chống nghiện và tái nghiện rượu, bia;
d) Chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh, rối loạn chức năng có liên quan đến uống rượu, bia.
2. Cơ sở y tế thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này theo hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật của Bộ Y tế.