TÌM HIỂU VỀ BỆNH VIÊM GAN C
Viêm gan C là tình trạng nhiễm trùng gan, gây ra bởi virus viêm gan C (tên Tiếng Anh: Hepatis C virus, viết tắt: HCV). HCV có cấu trúc di truyền sợi đơn RNA, thuộc họ Flaviviridae. HCV có 7 kiểu gen và 67 kiểu phụ đã được xác định. Trong đó, kiểu gen 1 và 6 là 2 kiểu gen thường gặp nhất tại Việt Nam. Virus HCV gây ra bệnh viêm gan C cấp tính và mạn tính.
Viêm gan virus C lây truyền như thế nào?
HCV có thể lây lan từ người này sang người khác qua 03 đường:
- Lây qua đường máu khi dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy, truyền máu bị nhiễm virus hay sử dụng các thiết bị y tế không được tiệt trùng kỹ.Dùng chung các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, bấm móng tay với người nhiễm HCV cũng có khả năng lây nhiễm khi các vật dụng này bị dính máu. HCV cũng có thể lây qua dụng cụ xăm và xỏ khuyên nếu các dụng cụ này không được làm sạch.
- HCV có thể lây truyền từ mẹ sang con.
- HCVcũng có thể lây truyền qua quan hệ tình dục có tiếp xúc máu, thường gặp hơn ở những người quan hệ tình dục đồng giới nam. Hai cách lây truyền từ mẹ sang con và quan hệ tình dục ít phổ biến hơn so với lây qua đường máu.
Virus HCV không lây qua sữa mẹ, thức ăn hay nước uống. HCV cũng không lây khi ôm, bắt tay hay hôn người bị bệnh.
Các triệu chứng của bệnh Viêm gan virus C
Người mắc bệnh viêm gan virus C không phải lúc nào cũng có triệu chứng, nhiều người mang virus viêm gan C suốt 20 năm vẫn sống bình thường mà không có biểu hiện bệnh. Tuy nhiên, virus viêm gan C có thể gây tổn hại cho gan suốt thời gian đó.
Sau khi nhiễm bệnh, gần 80% các trường hợp không có biểu hiện. Ở những người có triệu chứng thường bắt đầu vào 2-12 tuần sau khi nhiễm virus. Một số triệu chứng thường gặp là: sốt; mệt mỏi; chán ăn; vàng da; vàng mắt; đau và khó chịu vùng dạ dày; nôn mửa, rối loạn tiêu hoá; phân nhạt mầu; đau khớp...
Sự nguy hiểm của Viêm gan virus C
Viêm gan C cấp tính thường không có triệu chứng, khoảng 15-45% trường hợp nhiễm virus có thể tự khỏi trong vòng 6 tháng kể từ khi nhiễm virus mà không cần điều trị gì. Số còn lại có thể diễn tiến thành viêm gan C mạn tính. Nguy cơ xơ gan do viêm gan C mạn tính là 15-30% trong vòng 20 năm.
Tại Việt Nam, thống kê năm 2017: ước tính có gần 1 triệu người nhiễm HCV, nhưng chỉ có khoảng 80 ngàn người được chẩn đoán và gần 5.000 người được điều trị.
Tỉ lệ nhiễm VGC tại cộng đồng khoảng 1%, có khoảng 60% người bệnh VGC không rõ đường lây.