• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CÁC BỆNH THƯỜNG GẶP Ở TRẺ EM VÀO MÙA HÈ

Mùa hè là khoảng thời gian trẻ em háo hức với kỳ nghỉ dài, những chuyến du lịch, vui chơi ngoài trời. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao, môi trường dễ ô nhiễm – tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh lý phát triển, đặc biệt là ở trẻ em với hệ miễn dịch còn non yếu. Dưới đây là những bệnh thường gặp ở trẻ vào mùa hè và các biện pháp phòng tránh hiệu quả.

1. Bệnh tiêu chảy cấp và ngộ độc thực phẩm

Mùa hè là mùa của thực phẩm dễ ôi thiu, đặc biệt khi bảo quản không đúng cách. Thức ăn đường phố, kem, nước đá, trái cây gọt sẵn... nếu không đảm bảo vệ sinh dễ khiến trẻ mắc bệnh tiêu chảy cấp, thậm chí ngộ độc thực phẩm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Biểu hiện bệnh: Trẻ đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có thể nôn ói, sốt, mất nước.

Phòng tránh:

  • Cho trẻ ăn chín, uống sôi.
  • Hạn chế ăn đồ ăn chế biến sẵn, đồ chiên rán, đặc biệt là thực phẩm không rõ nguồn gốc.
  • Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Bảo quản thức ăn đúng cách, không dùng thực phẩm ôi thiu, hết hạn.

2. Các bệnh viêm đường hô hấp trên

Dù mùa hè nóng nực, nhưng việc lạm dụng điều hòa, quạt mạnh, thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến trẻ dễ bị viêm họng, viêm mũi, viêm amidan...

Biểu hiện bệnh: Sốt nhẹ, ho, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau họng.

Phòng tránh:

  • Không để nhiệt độ điều hòa quá thấp (chênh lệch với ngoài trời không quá 7 độ C).
  • Giữ ấm vùng cổ, ngực khi ngủ.
  • Cho trẻ uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây để tăng đề kháng.

3. Sốt virus

Thời tiết nắng nóng, trẻ vui chơi nhiều, mồ hôi ra nhiều, dễ bị nhiễm virus qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc.

Biểu hiện bệnh: Sốt cao đột ngột, mệt mỏi, chán ăn, phát ban, đau đầu...

Phòng tránh:

  • Tránh tụ tập nơi đông người nếu không cần thiết.
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
  • Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

4. Các bệnh về da: rôm sảy, mụn nhọt, viêm da dị ứng

Nhiệt độ cao và mồ hôi nhiều làm da trẻ dễ nổi rôm sảy, mụn nhọt. Trẻ thường ngứa ngáy, khó chịu, dễ gãi gây nhiễm trùng.

Phòng tránh:

  • Giữ da trẻ luôn khô thoáng.
  • Tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày bằng nước mát, có thể pha thêm nước lá (kinh giới, trà xanh...).
  • Mặc quần áo mỏng, rộng, thấm mồ hôi.

5. Viêm kết mạc (Đau mắt đỏ)

Trẻ thường xuyên dụi mắt bằng tay bẩn, hoặc đi bơi ở bể không đảm bảo vệ sinh có nguy cơ bị viêm kết mạc.

Biểu hiện bệnh: Đỏ mắt, ngứa, sưng mí, nhiều dử mắt...

Phòng tránh:

  • Hạn chế cho trẻ dụi mắt.
  • Không dùng chung khăn, gối, vật dụng cá nhân.
  • Dạy trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

6. Sốt xuất huyết và Tay chân miệng

Đây là hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường bùng phát vào mùa Hè, nhất là khi thời tiết mưa nhiều, ẩm ướt.

        Sốt xuất huyết do muỗi vằn truyền với các biểu hiện: Sốt cao liên tục, đau đầu, chảy máu cam, chấm xuất huyết dưới da...

           Tay chân miệng: Biểu hiện là: Sốt nhẹ, nổi ban dạng bóng nước ở lòng bàn tay, chân, loét miệng...

Phòng tránh:

  • Loại bỏ nơi muỗi, bọ gậy/lăng quăng sinh sản (nơi nước đọng, ẩm thấp, vật chứa nước, ), dùng kem chống muỗi, ngủ màn.
  • Vệ sinh đồ chơi, sàn nhà, tay vịn cầu thang, vật dụng hằng ngày.
  •  Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh.

         Lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh trong Mùa Hè:

  • Cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, hạn chế uống đá lạnh.
  • Tránh để trẻ chơi ngoài trời khi nắng gắt.
  • Giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, trường học, môi trường.
  • Khi trẻ có biểu hiện bất thường như sốt cao, phát ban, tiêu chảy kéo dài…cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Tác giả: Ths Hồng Nhung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết