Các đơn vị y tế: Thường trực cấp cứu, bố trí di dời bệnh nhân, trang thiết bị, thuốc ở vùng trũng thấp đến nơi an toàn
Chiều ngày 11/9, lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đi kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại Bệnh viện Da liễu cơ sở 2, xã Vũ Vân (Vũ Thư) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Trước diễn biến của mưa lũ, Bệnh viện Da liễu cơ sở 2 đã di chuyển hơn 100 bệnh nhân (phần lớn là bệnh nhân phong, già yếu, cụt rụt tứ chi), trang thiết bị y tế, thuốc… ở tầng 1 lên khu vực tầng 2. Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã có kế hoạch ứng phó với tình hình mưa lũ, duy trì trực cấp cứu 24/24 giờ; các khoa, phòng có phương án chuyển bệnh nhân lên tầng cao; di chuyển, bảo vệ các trang thiết bị y tế; có phương án phòng ngập lụt cho khu vực tầng 1; bảo đảm thuốc cấp cứu và thuốc thiết yếu và cung cấp đầy đủ suất ăn trong tình huống ngập lụt xảy ra; 10 đội thường thực cấp cứu sẵn sàng làm nhiệm vụ khi được huy động… Bên cạnh đó, các bệnh viện cũng đã quán triệt cán bộ, nhân viên chủ động phòng, chống ngập lụt tại cơ quan và gia đình, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là; phân công các đội thường trực sẵn sàng trong mọi tình huống; chuẩn bị các bao cát phòng, chống nước tràn vào...
Tại các nơi đến kiểm tra, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị các đơn vị y tế chủ động xây dựng kịch bản, tình huống có thể xảy ra để ứng phó phù hợp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra; tuyên truyền cho cán bộ, người bệnh và nhân dân nắm chắc thông tin về diễn biến mưa lũ, bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng, chống lũ theo hướng dẫn của ngành y tế và các cơ quan chức năng liên quan; nghiêm túc thực hiện công tác thường trực cấp cứu, hỗ trợ cấp cứu và bảo đảm công tác khám chữa bệnh. Những nơi trũng, thấp có nguy cơ ngập, lụt, những điểm trọng yếu... khẩn trương bố trí, di dời bệnh nhân, tài sản, trang thiết bị, thuốc, hồ sơ giấy tờ…đến vị trí an toàn. Bên cạnh đó, các đơn vị cần rà soát bổ sung các đội cấp cứu lưu động, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu.