• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Hiện nay, tình trạng uống rượu, bia quá độ đến mức gây nguy hại đang rất phổ biến ở người trưởng thành.Việt Nam xếp thứ Hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ Ba Châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. 

Ngày 14 tháng 6 năm 2019, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14, hiệu lực thi hành từ 01/01/2020.

Ngày 24/8/2022, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND về Phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022-2025, với mục đích tuyên truyền, phổ biến Luật PCTH của rượu, bia; các văn bản thi hành Luật, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính lĩnh vực y tế và các văn bản liên quan; tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, giáo dục về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khoẻ, cộng đồng và xã hội; phổ biến chính sách, pháp luật về PCTH của rượu, bia tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường thực hiện các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia, các biện pháp quản lý việc cung cấp rượu bia, các biện pháp giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia đối với sức khoẻ, trật tự an toàn xã hội để bảo vệ cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Điều 21, Luật PCTH của rượu, bia qui định Phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia như sau:

1. Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.

2. Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.

3. Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm toa nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông.

4. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xây dựng nội dung và tổ chức việc đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp bằng, chứng chỉ, giấy phép điều khiển phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý.

Điều 22, Luật PCTH của rượu bia qui định Phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe như sau:

1. Các biện pháp phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe bao gồm:

a) Tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia cho người đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế;

b) Sàng lọc, phát hiện sớm yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe của người uống rượu, bia; người mắc bệnh, rối loạn chức năng do uống rượu, bia; người nghiện rượu, bia;

c) Can thiệp giảm tác hại cho người có yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, phụ nữ mang thai có hội chứng hoặc nguy cơ ngộ độc rượu ở thai nhi; phòng, chống nghiện và tái nghiện rượu, bia;

d) Chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh, rối loạn chức năng có liên quan đến uống rượu, bia.

2. Cơ sở y tế thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này theo hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật của Bộ Y tế.

Mỗi tổ chức, cá nhân, gia đình hãy thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Kế hoạch về Phòng, chống tác hại của rượu, bia của UBND tỉnh Thái Bình để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội.


Tác giả: BSCKII Lưu Thị Ánh Tuyết - PGĐ TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết