• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: Tăng cường triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia

"Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá","Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng" là một trong những nội dung của Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới được Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) ban hành ngày 25/10/2017. 

Qua các bằng chứng khoa học quốc tế cho thấy, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây nên 30 loại bệnh và chấn thương, là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10 (loạn thần từ rượu, xơ gan do rượu, hội chứng rượu bào thai...), là một trong bốn yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm.Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng rượu, bia gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể như: gây ung thư (gan, khoang miệng, thanh quản, thực quản, tụy, thận, đại - trực tràng, vú); gây rối loạn tâm thần kinh (loạn thần, trầm cảm, rối loạn lo âu, giảm khả năng tư duy); gây bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ); gây bệnh tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính); ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi và phát triển bào thai; suy giảm miễn dịch...
Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe hàng đầu, là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi từ 15 - 49.Tỷ lệ trẻ em Việt Nam chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người khác thuộc nhóm 2 nước cao nhất.
Quốc hội khoá 14 nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia (số 44/2019/QH14 ngày 14/6/2019), Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.Quan điểm chỉ đạo của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia như sau:
Thứ nhất, ưu tiên bảo vệ sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân, gia đình và xã hội, là nguồn lực quý giá trong phát triển bền vững đất nước; giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do sử dụng rượu, bia gây ra.
Thứ hai, phòng ngừa và giảm bớt các hậu quả về xã hội (tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, tội phạm, thương tích, an ninh, trật tự, bất bình đẳng giới, đói nghèo) và gánh nặng kinh tế để khắc phục hậu quả do sử dụng rượu, bia gây ra.
Thứ ba, thể chế quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; góp phần quan trọng để đạt các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết (giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030).
Thứ tư, khắc phục những hạn chế, bất cập, khoảng trống của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia hiện nay. Tăng tính khả thi, đồng bộ của các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nhất là quản lý sản xuất rượu thủ công, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hài hòa với các lợi ích sức khỏe cộng đồng.
Thứ năm, huy động nguồn lực tài chính và sự tham gia tích cực của toàn xã hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia để bảo đảm thực hiện luật hiệu quả.
Thứ sáu, bảo đảm phù hợp, hài hòa với pháp luật quốc tế trong xu thế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Để triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đối với ngành y tế, Bộ Y tế đã có Quyết định số 3400/QĐ-BYT ngày 01/8/2019 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia trong ngành Y tế.
Để triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia tại tỉnh Thái Bình, ngày 09/8/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về việc không uống rượu, bia trước giờ làm việc buổi sáng, trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực ở cơ quan đơn vị và không uống rượu bia trước khi lái xe.Chỉ thị yêu cầu: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể có trách nhiệmthực hiện nghiêm túc việc không uống rượu, bia, đồ uống có cồn khác trước giờ làm việc buổi sáng, trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc và ngày trực ở cơ quan, đơn vị; trong các công việc của gia đình phải hạn chế sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn khác để không gây ảnh hưởng xấu đến xã hội; nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn khác...Ngày 05/3/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành kế hoạch số 18/KH-UBND triển khai Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.Mục đích yêu cầu của Kế hoạch là tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ; từng bước hình thành văn hoá sử dụng rượu bia lành mạnh; không điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia góp phần giảm tai nạn giao thông và các hành vi vi phạm khác.Tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn và các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.Quá trình triển khai đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, thường xuyên nắm bắt, tổng hợp những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để kiến nghị, đề xuất, sửa đổi, bổ sung phù hợp.


Tác giả: BSCKII.Lưu Thị Ánh Tuyết
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB