• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vai trò của phụ nữ trong hoạt động truyền thông Phòng, chống tác hại thuốc lá

Thái Thụy là huyện đông dân, phụ nữ chiếm trên 50% dân số, trên 70% lao động ở nông thôn - là lực lượng lao động đông đảo, có vị trí, vai trò rất quan trọng trong hoạt động nông nghiệp, nhất là trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, từ trồng cây thuốc lào sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao tại địa phương. 

Để hoạt động Phòng, chống tác hại thuốc lá mang lại hiệu quả thiết thực, bên cạnh việc áp dụng các quy định và xử phạt thì công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân đóng vai trò hết sức quan trọng góp phần xây dựng “Môi trường không khói thuốc” từ những ngôi nhà không khói thuốc.
Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ, tuy nhiên tỷ lệ người hút thuốc lá của tỉnh vẫn còn cao (năm 2019: tỷ lệ nam giới hút thuốc là 45,3%), Thái Thụy lại là huyện có truyền thống trồng cây thuốc lào. Làm gì để giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi cây thuốc lào bằng loại cây trồng khác luôn là băn khoăn của chính quyền địa phương cũng như Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thái Thụy. Nhận thức rõ tầm quan trọng của hoạt động này, từ năm 2017 đến nay, hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá tại các cấp Hội LHPN huyện Thái Thụy nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá của tỉnh, Sở Y tế Thái Bình, sự đồng thuận ủng hộ của chính quyền địa phương và cán bộ hội viên phụ nữ trong huyện, Hội LHPN huyện Thái Thụy đã phối hợp tổ chức thường xuyên các lớp truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá tại cộng đồng. Kết quả sau 03 năm, Hội phụ nữ huyện đã tổ chức 24 lớp truyền thông, tập huấn, nói chuyện chuyên đề về phòng chống tác hại thuốc lá tại cộng đồng thu hút gần 6.000 lượt cán bộ hội viên và nhân dân tham gia. Điển hình là tổ chức 03 buổi giao lưu văn nghệ, biểu diễn tiểu phẩm truyền thông thu hút gần 1.200 hội viên và nhân dân tham gia. Các tiểu phẩm dễ hiểu, dễ nhớ đã góp phần nâng cao nhận thức của hội viên và nhân dân địa phương về tác hại của khói thuốc lá. Thông qua buổi biểu diễn cán bộ, hội viên và nhân dân tham gia được cung cấp kiến thức về các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thực thi Luật để xây dựng “Môi trường không khói thuốc” tại cơ quan, trường học, nơi công cộng trên địa bàn. Sau các buổi biểu diễn, các cán bộ, hội viên và nhân dân đều có nguyện vọng được nhân rộng tổ chức các buổi truyền thông theo hình thức sân khấu hóa, vừa sinh động lại vừa hiệu quả, thể hiện được mối nguy hại của việc hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động ảnh hưởng đến sức khỏe của hội viên và gia đình hội viên phụ nữ.
Mặt khác, nhận thấy trên địa bàn huyện Thái Thụy có những vùng đất đặc trưng đã từng chuyên trồng cây thuốc lào mang lại giá trị kinh tế cao như: Thụy An, Thụy Tân, Thụy Trường, Thụy Lương, Thái Nguyên…do đó, Hội LHPN huyện đã tham mưu với Ban Chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn về chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ thuốc lào sang cây trồng khác như: Dưa hấu, hành tỏi, khoai tây…cho năng suất cao tương đương với cây thuốc lào. Năm 2019, đã tổ chức được 02 lớp tại 02 xã Thụy An và Thụy Tân đã thu hút 150 hội viên tham gia. Tại các buổi tuyên truyền, tập huấn, hàng nghìn sổ tay, tờ rơi, biển Cấm hút thuốc, tài liệu hướng dẫn xây dựng “Môi trường không khói thuốc”…đã được cấp phát cho hội viên và nhân dân.
Việc tuyên truyền bằng các hình ảnh trực quan trên địa bàn huyện Thái Thụy cũng được chú trọng, đã có 100% các phòng làm việc của Hội, của Khối cơ quan đoàn thể huyện, nơi công cộng trong khuôn viên huyện ủy đều treo bảng hiệu bằng mêca "Cấm hút thuốc lá", nhắc nhở khi có người dân tới làm việc hoặc cán bộ đến liên hệ công tác hút thuốc lá nhằm từng bước xây dựng cơ quan không khói thuốc.
Qua hoạt động thực tiễn, thực tế việc truyền thông qua các tiểu phẩm truyền thông là hiệu quả nhất, tuy nhiên, đến nay trên địa bàn huyện Thái Thụy nói riêng và tỉnh Thái Bình nói chung chưa tổ chức đồng loạt được ở tất cả các xã, phường, thị trấn. Thời gian tới, tỉnh Thái Bình cần có kế hoạch tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động truyền thông PCTHTL như: nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa dễ truyền đạt được nội dung, người xem và người nghe dễ hiểu, dễ thuộc, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá, tiếp tục tổ chức tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây thuốc lào sang cây trồng khác có giá trị kinh tế tương đương hoặc cao hơn để tăng cường thay đổi nhận thức của hội viên phụ nữ và nhân dân trong việc lựa chọn cây trồng thay cây thuốc lào mà vẫn giữ được năng suất, hiệu quả kinh tế.
Từ bỏ thuốc lá, giúp cho người thân yêu của mình bỏ thuốc không bao giờ là quá muộn, vì vậy, mỗi phụ nữ hãy lên tiếng để bản thân chị em và  các trẻ em được sống trong môi trường không khói thuốc, đồng thời tuyên truyền tới các, cấp, ngành và toàn xã hội: Cùng chung tay xây dựng một môi trường học tập và làm việc lành mạnh, trong sạch, không có khói thuốc lá... Hy vọng rằng, công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá của Hội Phụ nữ các cấp nhân Tháng hành động của Phụ nữ sẽ góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về tác hại thuốc lá./.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB