• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống Sốt xuất huyết (SXH) tiến triển nặng

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm 2023 đến ngày 17/3, cả nước ghi nhận 20.537 trường hợp mắc SXH (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 03 trường hợp tử vong.

Các chuyên gia y tế đã chỉ ra 03 nguyên nhân thường gặp khiến bệnh nhân mắc SXH tiến triển nặng, thậm chí có thể tử vong, đó là:

Thứ nhất, người bệnh chủ quan không đi khám. SXH được chia thành 3 mức độ: nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Mặc dù mức độ nhẹ có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng người bệnh vẫn cần đi khám để được chẩn đoán và theo dõi vì bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng.

Đối với SXH ở mức độ nặng, bệnh có thể gây ra biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.

Thứ hai, do quan niệm sai lầm khi cho rằng, khi bệnh SXH hết sốt là khỏi. Thực tế, sau giai đoạn sốt cao lại chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Sau 2-7 ngày, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy dễ chịu hơn nhưng đây lại là giai đoạn tiểu cầu giảm nặng và thoát huyết tương. Triệu chứng bắt đầu xuất hiện rõ như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam…

Thứ ba, người dân cho rằng, SXH chỉ mắc 1 lần trong đời. Bệnh SXH do vi rút Dengue gây ra với 4 tuýp. Vì vậy, có thể hiểu rằng, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 tuýp vi rút khác nhau.

Các biểu hiện của SXH

Người mắc bệnh SXH thường có biểu hiện sốt cao đột ngột trên 38,5oC, kéo dài từ 2 - 7 ngày. Đi cùng với các triệu chứng đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp, phát ban, có biểu hiện xuất huyết (chấm, nốt, mảng…).

Phòng bệnh SXH bằng cách

1. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (loăng quăng) bằng cách:

- Thả cá cờ vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại) để diệt bọ gậy (loăng quăng).

- Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa…, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

- Thay nước, thau rửa chum, vại, lu, khạp hàng tuần.

- Bỏ muối vào bát kê chân chạn (tủ đựng chén bát), cho cát ẩm vào lọ hoa.

2. Phòng chống muỗi đốt bằng cách: Mặc quần áo dài tay; Ngủ trong màn kể cả ban ngày; Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...;Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

3. Khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi vào không gian.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống  SXH, nhất là mùa Xuân Hè 2023, Bộ Y tế đề nghị, UBND tỉnh, thành phố giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền trong chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy, bảo đảm tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết