• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng tránh một số bệnh mùa thu – đông cho trẻ

* Thủy đậuThủy đậu, đôi khi còn gọi là bỏng rạ là một loại bệnh cấp tính do vi rút gây ra. Nguồn lây nhiễm chính của bệnh này là tiếp xúc với vi rút gây bệnh, như hít phải vi rút từ người bị bệnh thở ra trong không khí hoặc tiếp xúc gần với người bệnh. Trẻ sẽ bị phát bệnh sau 14 – 15 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh. Bệnh thủy đậu nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ra rất nhiều biến chứng.

Triệu chứng: Trẻ hơi sốt, nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho, mệt mỏi, biếng ăn. Sau một hai ngày, da trẻ nổi những mụn nhỏ màu hồng, mọng nước ở lưng trước rồi mới lan nhanh ra tay và chân, gây ngứa.

 

Phòng tránh: Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh thủy đậu cho trẻ là tiêm phòng. Đối với trẻ từ 1 đến 12 tuổi: chích ngừa một lần duy nhất dưới da. Đối với trẻ hơn 12 tuổi: chích 2 mũi, mũi sau cách mũi đầu 6 đến 10 tuần. Cách ly trẻ với nguồn bệnh. Những trẻ đã bị bệnh, sau khi khỏi bệnh cần được nghỉ học khoảng 10 ngày và phải vệ sinh sạch sẽ các nốt bỏng trước khi quay trở lại trường học.

 

* Cảm cúm

 

Cảm cúm là bệnh do một loại siêu vi gây ra mà trẻ em thường mắc phải trong thời gian chuyển mùa. Các vi rút gây cảm cúm thường được lây truyền bởi các hạt khí dung nhỏ, hạt khí dung lớn hoặc qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh sẽ phát sau khi trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh từ 1 – 2 ngày.

 

Triệu chứng: Trẻ có thể sốt, nghẹt mũi, đau họng, ho, hắt hơi, nhức mỏi toàn thân. Trong đó triệu chứng nghẹt mũi, chảy mũi nước sẽ kéo dài hơn các triệu chứng khác.

 

Phòng tránh: Cần luôn giữ ấm cho trẻ khi thời tiết thay đổi, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nhiều người, nhất là với những người có biểu hiện bị cúm. Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp ra từ tủ lạnh, kem, đá. Tăng cường dinh dưỡng và vitamin C, cho trẻ uống nước đầy đủ vào mùa lạnh để giúp trẻ có sức đề kháng.

 

* Viêm họng

 

Viêm họng đa số là do các chủng vi rút gây ra. Một số trẻ khác bị viêm họng do bị dị ứng với thời tiết lúc giao mùa. Những trẻ sử dụng thuốc kháng sinh quá liều, nước súc miệng hoặc các thuốc xịt họng không đúng chỉ định cũng có thể bị viêm họng do nấm.

 

Triệu chứng: Vòm họng trẻ sưng đỏ. Tuyến nước bọt bị sưng, niêm mạc họng phù nề. Trẻ đau họng, khó nuốt thường đi kèm với triệu chứng sốt nhẹ, đau tai, ho.

 

Phòng tránh: Cần biết những yếu tố nào thường gây dị ứng qua đường thở cho trẻ để phòng tránh. Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường, nhất là những chỗ đông dân cư và gần những khu công nghiệp. Trong phòng trẻ sinh hoạt cần phải giữ cho không khí thoáng gió, ấm và đủ độ ẩm. Tránh đưa trẻ đến những nơi đông người, nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.

 

* Sốt phát ban

 

Sốt phát ban thường gây ra bởi vi rút sởi hoặc vi rút rubella. Bệnh gây ra bởi vi rút sởi còn gọi là ban đỏ, bệnh gây ra bởi vi rút rubella còn gọi là ban đào. Sốt phát ban thường lây truyền qua đường hô hấp, hít thở chung nguồn khí với người bệnh.

 

Triệu chứng: Trẻ thấy mệt mỏi, đau đầu, sổ mũi, đau họng, viêm kết mạc mắt, niêm mạc vòm họng có thể xuất hiện những chấm xuất huyết nhỏ. Ở vị trí gần hai bên cổ, sau tai của trẻ sẽ xuất hiện hai hạch sưng to và đau. Da trẻ sẽ xuất hiện những nốt đỏ nhỏ li ti ở vùng mặt rồi sau đó lan nhanh ra toàn thân và chân tay.

 

Phòng tránh: Cần cho trẻ chích ngừa sởi và rubella theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiêm mũi tiêm 3 trong 1 ngừa 3 bệnh: sởi, quai bị, rubella. Mũi đầu tiêm ở thời điểm trẻ từ 1 tuổi trở lên, mũi 2 là mũi củng cố cách mũi đầu vài năm hoặc lúc cháu bé bắt đầu đi học.

 

* Viêm đường hô hấp

 

Khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, các loại vi rút hợp bào rất phát triển. Virus này trong không khí và khi xâm nhập vào cơ thể trẻ sẽ dễ dàng phá vỡ hệ thống đề kháng chưa hoàn chỉnh của trẻ em, nhất là hệ hô hấp. Đây là một loại virus nguy hiểm có khả năng làm cho trẻ bị viêm đường hô hấp, tùy theo từng mức độ từ nhẹ đến nặng. Bệnh lây truyền qua đường miệng, nước bọt, tiếp xúc tay và các đồ dùng để ăn uống.

 

Biểu hiện: Trẻ có thể đột ngột sốt cao, đau đầu, lạnh toàn thân, đau toàn thân, đau họng, ho, mệt mỏi, chán ăn, khó hít thở, tiêu chảy nhẹ.

 

Phòng tránh: Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng. Giữ ấm cơ thể cho trẻ và hạn chế đưa trẻ đến chỗ đông người. Đeo khẩu trang cho trẻ khi đi ra đường. Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Không nên cho trẻ đi bơi ở những bể bơi công cộng hoặc những khu vui chơi giải trí dưới nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết