Ca mắc ho gà tăng gần 8 lần, tăng cường công tác phát hiện và đẩy mạnh tiêm vaccine phòng bệnh
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay cả nước ghi nhận 127 ca mắc ho gà, số mắc tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Bệnh xuất hiện chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc như Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Yên Bái, Nam Định, Phú Thọ và Vĩnh Phúc…
Theo các chuyên gia, ho gà là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp, bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em.
Bệnh lây qua đường hô hấp do vi khuẩn ho gà gây nên. Các triệu chứng ho gà thường xuất hiện trong vòng 7-10 ngày sau khi nhiễm bệnh. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy.
Bệnh ho gà dẫn đến những biến chứng như: Suy hô hấp, viêm phổi, thiếu oxy não, viêm não, xuất huyết kết mạc, thậm chí dẫn đến ngừng thở và gây tử vong. Do đó, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị là rất quan trọng.
Đa phần trường hợp bệnh nặng tập trung ở trẻ dưới 02 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi. Người lớn bị ho gà thường xuất hiện các triệu chứng ho không quá đặc biệt khiến lầm tưởng là những đợt ho thông thường và trở thành nguồn lây nhiễm chính cho trẻ nhỏ trong nhà.
Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng đã có nhiều văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine. Theo đó, đối với bệnh được dự phòng bằng vaccine (sởi, ho gà, bạch hầu...) cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024, thực hiện tốt tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Bên cạnh việc tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh; các địa phương đẩy mạnh truyền thông về các biện pháp phòng bệnh và vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch, đủ mũi tiêm.
Các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh như bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.
Ho gà là bệnh truyền nhiễm dễ lây qua đường hô hấp, trẻ em hay người lớn đều có thể lây nhiễm nếu không được tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch.
Để chủ động phòng, chống bệnh ho gà, cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch cùng với vaccine khác (mũi DPT có trong chương trình TCMR là vaccine có tác dụng phòng 03 bệnh truyền nhiễm: Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván ): Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ đủ 02 tháng tuổi; Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 01 tháng; Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 01 tháng; Mũi thứ 4: Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Song song với đó, cần thực hiện tốt các biện pháp khác như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà./.