• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các bệnh thường gặp người cao tuổi

Người cao tuổi là người ở giai đoạn già hóa, thường bị suy giảm các chức năng của cơ thể nên rất dễ mắc nhiều bệnh mạn tính, sau đây là một sốbệnh thường gặp ở người cao tuổi.

1. Tăng huyết áp(THA)

Tăng huyết áp là khi đo huyết áp chỉ số huyết áp tâm thu biểu hiện ở mức ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg.Bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng nhưng nếu không kiểm soát tốt có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận...

Để phòng bệnh THA, người cao tuổi cần đo huyết áp thường xuyên, duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế muối, tránh stress. Những người đã được xác định là mắc bệnh THA cần tuân thủ điều trị dùng thuốc hạ huyết áp, một số thuốc cải thiện tuần hoàn não và thuốc khác theo chỉ định của bác sĩ.

2. Đái tháo đường(ĐTĐ)

Đái tháo đường hay tiểu đường là tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Ở người cao tuổi, bệnh thường diễn biến âm thầm, dễ bị bỏ sót. Biến chứng của đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến mắt, thận, thần kinh và tim mạch.

Để phòng bệnh ĐTĐ, người cao tuổi cần có chế độ ăn hợp lý, kiểm soát cân nặng, vận động thể lực, thể dục thể thao phù hợp và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ là chìa khóa để kiểm soát bệnh.

3. Loãng xương và thoái hóa khớp

Người cao tuổi bị lão hóa làm giảm mật độ xương, khiến xương giòn, dễ gãy. Bên cạnh đó, thoái hóa khớp -đặc biệt ở khớp gối, cột sống - cũng là vấn đề thường gặp gây đau nên hạn chế vận động để giảm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Phòng bệnh: Bổ sung canxi, vitamin D, vận động phù hợp với tuổi tác, tránh bịngã là những biện pháp quan trọng giúp phòng ngừa loãng xương và giảm nhẹ triệu chứng thoái hóa khớp.

4. Suy giảm trí nhớ và sa sút trí tuệ

Suy giảm trí nhớ là biểu hiện phổ biến ở người cao tuổi nhưng ở mức độ nặng hơn có thể dẫn tới bệnh Alzheimer hoặc các dạng sa sút trí tuệ khác. Người bệnh dễ quên, lạc đường, thậm chí không nhận ra người thân.

Phòng bệnh:Người cao tuổi cần tập luyện trí não, giữ tinh thần lạc quan, duy trì các mối quan hệ xã hội, ăn uống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các bệnh lý và các vấn đề về não bộ, trí tuệ.

5. Các bệnh về tim mạch

Ngoài tăng huyết áp, người cao tuổi còn dễ mắc các bệnh lý khác như suy tim, rối loạn nhịp tim, xơ vữa động mạch. Những bệnh này thường diễn biến kéo dài gây mệt mỏi, khó thở, hoa mắt, chóng mặt và nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Phòng bệnh:Người cao tuổi cần duy trì cân nặng hợp lý ăn uống điều độ, hạn chế chất béo xấu, tập thể dục nhẹ nhàng và tuân thủ điều trịcác bệnh về tim mạch.

6. Các bệnh lý đường tiêu hóa

Người cao tuổi dễ bị táo bón, viêm dạ dày, trào ngược thực quản, rối loạn tiêu hóa. Nguyên nhân do chức năng tiêu hóa giảm, ít vận động, uống ít nước và ăn ít chất xơ.

Phòng bệnh:Uống đủ nước,ăn nhiềurau xanh, trái cây, vận động hàng ngày phù hợp.

 7. Trầm cảm và rối loạn giấc ngủ

Không ít người cao tuổi rơi vào tình trạng trầm cảm do cô đơn, mất người thân, cảm giác bị bỏ rơi hoặc lo lắng về bệnh tật. Cùng với đó là chứng mất ngủ, ngủ chập chờn, dễ tỉnh giấc.

Phòng bệnh:Bằng cách hỗ trợ tinh thần người bệnh như gia đình nên quan tâm, chia sẻ và tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia các hoạt động cộng đồng, giữ cho tinh thần vui vẻ, yêu đời.

 Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không chỉ là điều trị bệnh mà còn là phòng ngừa, nâng cao chất lượng cuộc sống.Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, vận động phù hợp và hỗ trợ tinh thần, tái khám, khám sức khỏe định kỳ... là những yếu tố then chốt giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe và sống có ích./.


Tác giả: Đoàn Huê
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết