Quyết định số 141/QĐ-BYT của Bộ Y tế: Về việc ban hành “Kế hoạch phối hợp giữa công tác Phòng, chống HIV/AIDS và Phòng, chống bệnh Lao, giai đoạn 2021-2025”
Ngày 12 tháng 01 năm 2021, Bộ Y tế đã có Quyết định số 141/QĐ-BYT về việc ban hành “Kế hoạch phối hợp giữa công tác Phòng, chống HIV/AIDS và Phòng, chống bệnh Lao, giai đoạn 2021-2025”.
Theo đó, Kế hoạch nhằm đạt mục tiêu chung là: Giảm tỷ lệ mắc lao ở người nhiễm HIV; Giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống ở người bệnh đồng nhiễm lao/HIV. Và mục tiêu đến năm 2025 là: 100% Ban điều phối HIV/lao tỉnh, thành phố duy trì và triển khai hoạt động hiệu quả theo quy định của Bộ Y tế; 95% số người mắc lao được xét nghiệm HIV; 92% số người đồng nhiễm lao/HIV được điều trị đồng thời cả lao và ARV; 90% số người nhiễm HIV mới đăng ký điều trị ARV đủ tiêu chuẩn điều trị lao tiềm ẩn được điều trị lao tiềm ẩn; 90% số người nhiễm HIV đang điều trị ARV đủ tiêu chuẩn điều trị lao tiềm ẩn hoàn thành liệu trình điều trị lao tiềm ẩn.
Các giải pháp cơ bản nhằm đạt được mục tiêu trên tập trung vào các nội dung như:
Kiện toàn hệ thống tổ chức: Kiện toàn Ban điều phối HIV/lao các tuyến với việc bổ sung nhân sự phù hợp, xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp, hoạt động cụ thể của Ban điều phối.Tăng cường vai trò của Ban điều phối trong việc thực hiện phối hợp HIV/lao tại các tuyến. Ban điều phối giao trách nhiệm cụ thể và xác định kinh phí cho các hoạt động chung như giao ban Ban điều phối, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật.Thực hiện xây dựng Kế hoạch phối hợp HIV/lao theo giai đoạn, theo năm tại các tuyến. Kế hoạch được lồng ghép vào các hoạt động của mỗi chương trình tại các tuyến, sử dụng tối đa nguồn kinh phí từ các dịch vụ sẵn có thông qua hệ thống BHYT.Tiếp tục triển khai mở rộng mô hình lồng ghép quản lý và cung cấp dịch vụ HIV/lao ở tuyến huyện, xã trên toàn quốc.
Công tác chuyên môn: Thường xuyên cập nhật các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về phối hợp HIV/lao.Đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ của 2 chương trình về công tác phối hợp HlV/lao và cập nhật thường xuyên các thay đổi về chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.Chuẩn hóa quy trình, giao nhiệm vụ cụ thể ở các cơ sở điều trị HIV/AIDS, cơ sở phòng, chống lao về phối hợp HIV/lao trong quản lý ca bệnh, chuyển tiếp người bệnh giữa hai chương trình; chia sẻ số liệu và báo cáo phối hợp HIV/lao tại cơ sở.Tập huấn về cách thu thập, phân tích sử dụng các chỉ số báo cáo về hoạt động phối hợp HIV/lao.Kết nối giữa điều trị và dự phòng, cung cấp dịch vụ dự phòng HIV và lao ngay tại tuyến xã, phường.Tăng cường phát hiện lao ở người nhiễm HIV bằng chiến lược 2X (chụp X- quang ngực và xét nghiệm Xpert MTB/Rif) và các kỹ thuật chẩn đoán lao mới có độ nhạy, độ đặc hiệu cao.Điều trị lao tiềm ẩn cho tất cả người nhiễm HIV mới và người bệnh HIV đang quản lý điều trị đủ tiêu chuẩn.Đảm bảo cung ứng đủ thuốc điều trị bệnh lao và điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV.Tăng cường công tác giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế, phòng lây nhiễm vi khuẩn lao và các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp khác.
Công tác giám sát, báo cáo: Hoàn thiện hệ thống báo cáo, sử dụng phần mềm trong quản lý chương trình HIV và chương trình lao để dễ dàng chia sẻ các chỉ số phối hợp giữa hai chương trình. Thống nhất các chỉ số cần chia sẻ trên phần mềm mỗi chương trình và tiến tới lồng ghép vào hệ thống quản lý chung của bệnh viện.
Về nguồn lực: Sử dụng chủ yếu nguồn kinh phí từ BHYT để phát hiện, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV, người bệnh lao và người đồng nhiễm HIV lao theo quy định tại Thông tư số 27/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến HIV/AIDS, Thông tư số 04/2016/TT-BYT ngày 26/02/2016 của Bộ Y tế quy định về khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao.
Tăng cường tiếp cận và cải thiện chất lượng dịch vụ: Chú trọng đến việc cung cấp các dịch vụ điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV, phối hợp chặt chẽ giữa 2 chương trình để dự trù nhu cầu chính xác, theo dõi chặt chẽ trong quá trình triển khai và đảm bảo thuốc điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV sẵn có và liên tục.Điều trị sớm ARV cho người bệnh lao nhiễm HIV bằng cách mở rộng mô hình lồng ghép cung cấp dịch vụ HIV và lao tại 1 cơ sở y tế. Loại trừ bệnh lao sớm trước khi bắt đầu điều trị ARV và điều trị lao tiềm ẩn.Triển khai mở rộng mô hình phối hợp HIV/lao tại tuyến huyện. Đối với cơ sở chưa lồng ghép Lao/HIV thì tăng cường phối hợp, cải thiện hệ thống chuyển tiếp thành công bằng cách phân công cụ thể cán bộ chịu trách nhiệm theo dõi chuyển tiếp. Sử dụng tối đa hệ thống vận chuyển bệnh phẩm chẩn đoán lao cho người nhiễm HIV hay xét nghiệm HIV cho người mắc lao thay vì vận chuyển người bệnh để tránh mất dấu người bệnh và đảm bảo kết quả xét nghiệm được thông tin kịp thời, chính xác đến thầy thuốc.
Cập nhật các khuyến cáo mới, các thực hành tốt trong và ngoài nước trong việc chẩn đoán và điều trị lao, điều trị HIV và điều trị lao tiềm ẩn ở người nhiễm HIV.
Bộ Y tế cũng đã xây dựng các hoạt động cụ thể, nêu rõ vai trò, nhiệm vụ của Bộ Y tế và các đơn vị hữu quan nhằm đạt được nhằm đạt mục tiêu của Kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đã đề ra./.