Thuỷ Đậu đã xuất hiện tại một số trường học trong tỉnh Thái Bình
Hiện nay, theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tuần 15 (từ 08 đến 14/4), tỉnh Thái Bình ghi nhận các chùm ca bệnh Thuỷ Đậu tại 03 cơ sở giáo dục trong tỉnh với tổng số 34 trường hợp, trong đó là Trường tiểu học Quang Trung – Thành phố Thái Bình với 08 trường hợp; trường Mầm non Tây Tiến – huyện Tiền Hải với 16 trường hợp, trường Mầm non Thái Phương – huyện Hưng Hà với 10 trường hợp. Các ca bệnh được cách ly, chăm sóc, theo dõi sức khoẻ tại gia đình. Hiện tại, các ổ dịch cơ bản được kiểm soát, không bùng phát rộng tại cộng đồng.
1.Bệnh Thuỷ đậu là gì?
Bệnh thủy đậu (hay còn gọi là phỏng rạ) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra ở da. Biểu hiện là những mụn nước trên da và niêm mạc, cơ thể sốt cao, mệt mỏi, suy nhược.
2.Dấu hiệu bệnh Thủy đậu : Bệnh Thủy đậu thường qua các giai đoạn như sau:
Thời kì ủ bệnh
Thời kỳ ủ bệnh của bệnh Thủy đậu thường kéo dài từ 10 đến 20 ngày sau khi tiếp xúc với virus VZV. Thường bệnh nhân sẽ trải qua giai đoạn này mà không có bất kì triệu chứng đặc trưng nào.
Thời kỳ khởi phát
Đây là thời kỳ kéo dài trong khoảng 1 - 2 ngày trước khi phát ban toàn thân. Một số triệu chứng bệnh nhân có thể gặp trong thời kỳ khởi phát là sốt, ăn uống kém ngon miệng, đau đầu, mệt mỏi.Các triệu chứng kể trên đều không đặc trưng và dễ gây nhầm lẫn với bệnh do virus khác như cảm cúm...
Thời kỳ toàn phát
Thời kỳ toàn phát được đánh dấu bởi sự xuất hiện của các dát đỏ rải rác toàn thân gọi là hồng ban. Trong vòng vài ngày, mụn nước sẽ hình thành trên nền hồng ban, ban đầu là các mụn nước nhỏ.Sau to dần và kết dính thành từng chùm, bên trong chứa dịch trong hoặc trắng đục tùy theo giai đoạn.
Các mụn nước này thông thường rất ngứa và đôi khi có thể gây đau, khi vỡ ra sẽ khô dần lại và đóng mày nâu hoặc xám sau 4 - 5 ngày. Trong thời kỳ này, người bệnh có thể truyền virus sang cho người khác và khiến bệnh lan rộng. Khả năng truyền bệnh có thể kéo dài từ 48 giờ trước khi khởi phát đến khi các mụn nước đã vỡ và đóng mày.
Thời kỳ hồi phục
Thông thường, Thủy đậu là một bệnh lý tương đối lành tính, sau khi trải qua giai đoạn toàn phát, bệnh nhân sẽ dần dần tự hồi phục. Các mụn nước đóng vảy, dần dần tróc mày và lành lại, bệnh nhân khỏe dần, ăn uống cải thiện, các vết thương giảm ngứa, thể trạng dần phục hồi.
3.Biến chứng của bệnh Thuỷ đậu
Tuy đa số trường hợp Thủy đậu khỏi mà không để lại biến chứng, nhưng nếu chủ quan, bệnh nhân vẫn có thể đối mặt với nhiều biến chứng như: Nhiễm trùng da, mô mềm, khớp hay nhiễm trùng huyết do vi khuẩn xâm nhập thông qua các sang thương mụn nước trên da. Có thể viêm một hoặc cả hai bên phổi, Viêm não, Sốc nhiễm trùng nhiễm độc do vi khuẩn, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
4.Cách điều trị bệnh thủy đậu
Do Thủy đậu là một bệnh lành tính nên với bệnh nhân có cơ địa khỏe mạnh, thủy đậu có thể tự khỏi mà không cần bất kỳ điều trị đặc biệt nào ngoài một số thuốc kháng histamin nhằm giảm sự khó chịu do ngứa. Một số thuốc tiêu biểu như thuốc kháng virus: Acyclovir.
Trong một số trường hợptiêm vắc-xin thủy đậu sau khi đã tiếp xúc với vi-rút nhằm ngăn ngừa mắc bệnh hoặc nếu mắc bệnh thì bớt nguy hiểm hơn.
Dùng kháng sinh trong trường hợp bệnh nhân có bội nhiễm vi khuẩn nhằm hạn chế nhiễm trùng mô mềm, nhiễm trùng khớp hay nhiễm trùng huyết.
5.Dấu hiệu khỏi bệnh Thủy đậu
Thủy đậu được xem là một bệnh tương đối lành tính và có thể khỏi hẳn mà không để lại biến chứng quá nặng nề nào. Một trong những cột mốc giúp người bệnh nhận ra bệnh thủy đậu đang lui dần đó là việc các mụn mủ se lại thành những nốt đen, khô đặc. Bề mặt da sẽ dần cải thiện, đôi khi gây ra cảm giác ngứa nhẹ, các nốt thủy đậu không còn đau rát hay khó chịu.
Bệnh Thuỷ đậu là một bệnh tương đối lành tính và có thể tự khỏi, tuy nhiên vẫn có một số ít bệnh nhân khởi phát bệnh với các triệu chứng nghiêm trọng trong đó mụn nước bao phủ toàn bộ cơ thể kèm theo tổn thương ở họng, mắt, niêm mạc niệu đạo, hậu môn hay âm đạo và gây biến chứng. Vì vậy, chúng ta không nên xem nhẹ, cần chủ động tuân thủ các hướng dẫn của cán bộ y tế để điều trị bệnh khỏi, không bị biến chứng./.