• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng dẫn điều trị viêm gan B và C

Viêm gan B (còn gọi là viêm gan siêu vi B) là bệnh lý viêm ở gan do virus viêm gan B (Viral hepatitis B hay HBV) gây ra. Viêm gan C (còn gọi là viêm gan siêu vi C) là bệnh lý viêm ở gan do virus viêm gan C (Viral hepatitis C hay HCV) gây ra. Virus viêm gan B và C có thể gây bệnh lý cấp tính và mạn tính, nếu không được điều trị sớm kịp thời và đúng cách, viêm gan B và C có thể gây ra những tổn thương gan nghiêm trọng, kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm, có thể dẫn đến biến chứng viêm gan mạn tính, xơ gan, suy gan, ung thư gan dẫn đến tử vong.

1.Mục tiêu điều trị viêm gan virus B, C(VGVR B,C):

Việc Điều trị viêm gan B hoặc C đều nhằm phục hồi tổn thương viêm, xơ gan, phòng ngừa biến chứng, dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản sau:

- Ngăn cản tác động của tác nhân hại gan (virus viêm gan B, C)

- Ngăn ngừa phản ứng viêm tại gan, nhằm làm giảm sự kích hoạt các yếu tố gây viêm.

- Ngăn ngừa việc hình thành tế bào gan xấu.

2.Điều trị Viêm gan VR B: Việc điều trị viêm gan VR B dựa theo hướng dẫn tại Quyết định 3310/QĐ-BYT ngày 29/7/2019 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm gan virus B. Điều trị VGVR B cấp chủ yếu là điều trị hỗ trợ, hơn 95% người lớn bị VGVR B cấp sẽ hồi phục một cách tự nhiên mà không cần điều trị thuốc kháng vi rút.

2.1.Điều trị hỗ trợ

- Nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng hoặc gắng sức trong thời kỳ có triệu chứng lâm sàng.

- Chế độ ăn: giảm bớt chất béo, kiêng rượu bia. Chỉ nuôi dưỡng tạm thời bằng đường tĩnh mạch khi bị nôn nhiều hoặc không ăn uống được.

- Tránh sử dụng các thuốc chuyển hóa qua gan.

- Điều trị hồi sức nội khoa tích cực các trường hợp diễn tiến nặng.

+ Đảm bảo duy trì hô hấp, tuần hoàn ổn định.

+ Vitamin K1: 10 mg/ngày tiêm bắp hoặc pha loãng tiêm mạch chậm trong 3 ngày khi tỷ lệ prothrombin giảm < 60%.

+ Điều chỉnh các rối loạn đông máu, chống phù não, lọc huyết tương... dựa trên việc đánh giá các bất thường cụ thể trên lâm sàng.

Trong quá trình điều trị theo dõi các triệu chứng: vàng da, vàng mắt, rối loạn tiêu hóa, xuất huyết, phù, cổ trướng, rối loạn tri giác,...

2.2. Chỉ định dùng thuốc kháng vi rút

Entecavir hoặc Tenofovir (TDF: Tenofovir disoproxil fumarate, TAF: Tenofovir alafenamide) cho đến khi mất HBsAg trong các trường hợp sau:

- VGVRB thể tối cấp.

- VGVR B cấp kèm theo ít nhất 2 tiêu chí sau:

+ Bệnh não gan.

+ Bilirubin toàn phần huyết thanh > 3 mg/dL hay > 51 µmol/L (hoặc bilirubin trực tiếp > 1,5 mg/dL hay > 25 µmol/L).

+ INR > 1,5

- Bệnh kéo dài > 4 tuần với bilirubin có xu hướng tăng.

2.3.Đánh giá cận lâm sàng trong quá trình điều trị VGB như sau:

Xét nghiệm HBsAg, anti-HBs tại thời điểm tuần thứ 12 và tuần thứ 24.

- VGVR B cấp hồi phục nếu mất HBsAg sau 6 tháng, tư vấn người bệnh tiêm phòng nếu anti-HBs < 10 IU/L.

- Nếu HBsAg vẫn dương tính sau 6 tháng, là bệnh đã chuyển sang mạn tính.

3.Điều trị Viêm gan virus C

Điều trị VG VR C hiện nay gồm có các thuốc kháng virus tác động trực tiếp (Gọi tắt là DAA), dùng qua đường uống và ít tác dụng phụ. Điều trị hiệu quả cao với tỷ lệ khỏi bệnh gần 100%, với mọi người mắc HCV đơn thuần hoặc đồng nhiễm HCV/HIV.

Chữa khỏi VG VR C tức là virus VGC đã bị loại trừ hết ra khỏi cơ thể người bệnh, các tổ thương gan sẽ giảm, chức năng gan được cải thiện.

Người điều trị VGVR C cần được theo dõi các xét nghiệm: HCV ARN trước điều trị và tuần 24; xét nghiệm sinh hoá máu và công thức máu trước điều trị và các tuần 4,8,12,24. Siêu âm gan và ổ bụng trước điều trị và tuần 24. Tái khám sau 4,8,12,24 tuần điều trị.

4. Ngoài ra, còn điều trị cho một số trường hợp đặc biệt như: Đồng nhiễm HBV/HCV; Đồng nhiễm HBV/HIV;Đồng nhiễm HBV/HDV; Phụ nữ mang thai; Trẻ em... theo hướng dẫn tại Quyết định 3310/QĐ-BYT ngày 29/7/2019 của Bộ Y tế.


Tác giả: BSCKII Lưu Thị Ánh Tuyết - PGĐ TT KSBT
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết