• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống Bệnh Đái tháo đường

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh không lây nhiễm (BKLN) là các bệnh mãn tính, không lây từ người sang người, bệnh tiến triển trong thời gian dài và chậm. Bệnh không lây nhiễm bao gồm các nhóm bệnh: tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ..), ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản), đái tháo đường, rối loạn tâm thần.
Những năm gần đây,Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng về gánh nặng bệnh tật và tử vong do các BKLN gây ra.Các BKLN gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có đến 40% chết trước 70 tuổi. Sự gia tăng của các BKLN chủ yếu do các yếu tố nguy cơ chính: sử dụng thuốc lá, ít hoạt động thể lực, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn uống không hợp lý và căng thẳng. Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 3 triệu người mắc bệnh ĐTĐ.
1.Thế nào là Bệnh Đái tháo đường
Đái tháo đường (ĐTĐ) là tình trạng tăng đường huyết mạn tính đặc trưng bởi những rối loạn chuyển hóa carbohydrat, có kèm theo rối loạn chuyển hóa lipid và protein do giảm tuyệt đối tác dụng sinh học của insulin và/hoặc tiết insulin.Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới 1998, chẩn đoán xác định ĐTĐ khi đường huyết (glucose máu) lúc đói≥1,26g/l hay ≥ 7,0 mmol/l (xét nghiệm ít nhất 02 lần).


9 dấu hiệu của bệnh ĐTĐ:

     - Giảm cảm giác ở bàn chân, bàn tay;
     - Xuất hiện màu sẫm trên cơ thể;
     - Thường đi tiểu đêm gây mất ngủ: đi tiểu nhiều hơn 2 lần mỗi đêm và 5 ngày trên tuần. Nếu đi hơn 5 lít mỗi ngày diễn ra vào cả ban đêm kéo dài sẽ dẫn đến suy thận.
     - Thường xuyên mệt mỏi; 
     - Giảm thị lực và hiện tượng xuất hiện các vết thâm ở vùng mắt. Các mao mạch ở gần mắt bị xơ vữa bởi lượng đường trong máu tăng cao, khi đó võng mạc sẽ yếu đi và đường còn đi vào thủy tinh thể làm mắt nhìn mờ đi. Đây là dấu hiệu nguy hiểm có thể biến chứng dẫn đến mù lòa.
     - Các vết thương ngày càng lâu lành và dễ nhiễm trùng;
     - Cảm thấy khát và đói thường xuyên hơn;
     - Giảm cân đột ngột;
     - Ngoài ra cũng có những nghi vấn về Đái tháo đường như kiến bâu vào nước  tiểu. Tình trạng nước tiểu có mùi ngọt hoặc bị kiến bâu vào chứng tỏ là lượng đường bài tiết qua nước tiểu nhiều hơn mức bình thường, đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo bệnh Đái tháo đường.

 

2.Điều trị ĐTĐ: Trong điều trị ĐTĐ, mục tiêu điều trị là kiểm soát đường huyết để ổn định các chỉ số sau:
     - HbA1c< 7%
     - Glucose máu(GM) lúc đói nên duy trì ở mức 3,9-7,2 mmol/l
     - Glucose máu sau ăn 2h < 10mmol/l
     - Điều trị các yếu tố nguy cơ đi kèm: Tăng huyết áp(THA), rối loạn lipid máu.
Để đạt được mục tiêu điều trị, ngoài việc sử dụng thuốc insulin hoặc thuốc uống để  làm giảm đường huyết theo chỉ định của bác sỹ, người bệnh cần chú ý thêm các yếu tố quan trọng là chế độ ăn và hoạt động thể lực.
Hiện nay, để điều trị ĐTĐ lâm sàng phải kết hợp chặt chẽ cả ba vấn đề: chế độ ăn - thuốc - hoạt động thể lực.
Vai trò của chế độ ăn: Trong bệnh ĐTĐ, ăn uống hợp lý góp phần:
     - Duy trì sức khoẻ cho bệnh nhân, tránh bị thiểu dưỡng do ăn uống quá kiêng khem, lâu dài sẽ làm cho cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.
     - Tránh tăng đường huyết quá mức do không biết chọn thực phẩm.
     - Hạn chế được dùng thuốc: nếu bệnh nhân có chế độ ăn uống đúng sẽ làm glucose máu của bệnh nhân không tăng thêm và hạn chế phải dùng thêm thuốc hoặc không phải dùng thuốc nếu chưa có ĐTĐ lâm sàng.
     - Hạn chế các biến chứng: chế độ ăn hạn chế glucose sẽ góp phần hạn chế các biến chứng xảy ra. Khi glucose máu quá cao thì rất dễ xuất hiện các biến chứng cấp tính.
Nguyên tắc dinh dưỡng điều trị cho bệnh nhân ĐTĐ:
     + Đủ chất đạm, béo, bột, vitamin và các chất khoáng, đủ nước.
     + Không làm tăng đường máu nhiều sau ăn.
     + Không làm hạ đường máu lúc xa bữa ăn.
     + Duy trì được hoạt động thể lực bình thường hàng ngày.
     + Duy trì được cân nặng lý tưởng.
     + Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, tổn thương thận...
     + Phù hợp với thói quen ăn uống của bệnh nhân.
 Tổng năng lượng hàng ngày
   Phụ thuộc vào từng bệnh nhân béo hay gầy, tình trạng bệnh lý của bệnh nhân (đường máu và lipid máu), tính chất lao động và thói quen ăn uống hàng ngày của bệnh nhân.
     + Hạn chế năng lượng nhất là những người béo phì.
     - Nam giới:  26kcal/kg/ngày.
     - Nữ giới:     24kcal/kg/ngày.
     + Đối với những người ĐTĐ có lao động bình thường được thì có thể tính tổng năng lượng theo quy ước:
     - Nằm điều trị tại giường:      25kcal/kg/ngày.
     - Lao động nhẹ và vừa:       30 - 35kcal/kg/ngày.
     - Lao động nặng:            35 - 40kcal/kg/ngày.
Tỷ lệ thành phần thức ăn so với tổng năng lượng
     Thực hiện chế độ ăn hợp lý, cân đối các thành phần: Glucid 50-60%; Protid 15-20%; Lipid 20-30% tổng số calo trong ngày. Cholesterol:  <  300mg/ngày. Chất xơ: 20 - 35g/ngày.
Phân chia bữa ăn
     Đối với bệnh nhân ĐTĐ cần chia thức ăn thành nhiều bữa để chống tăng đường huyết quá mức sau bữa ăn và chống hạ đường huyết khi đói. Nên ăn 5 - 6 bữa/ngày.
     Ăn sáng     : 20% tổng năng lượng/ngày.
     Phụ sáng    : 10% tổng năng lượng/ngày.
     Ăn trưa      : 25% tổng năng lượng/ngày.
     Phụ chiều  : 10% tổng năng lượng/ngày.
     Ăn tối        : 25% tổng năng lượng/ngày.
     Phụ tối       : 10% tổng năng lượng/ngày.
Chọn thực phẩm: Nên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp:
     + Cung cấp glucid: giảm gạo, mỳ, ngô, khoai; không nên ăn miến.
     + Cung cấp protein: các loại thịt nạc, sữa không đường, cá, đậu đỗ, lạc, vừng.
     + Cung cấp lipid: nên dùng dầu thay mỡ, không ăn những sản phẩm nhiều cholesterol như các loại phủ tạng.
     + Cung cấp vitamin và khoáng: các loại rau, củ, quả tươi, hạn chế ăn những quả quá ngọt như: chuối, mít, na.
     + Bớt rượu.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết