• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống bệnh Cúm

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh Cúm trên người tăng mạnh, tại Thái Bình ghi nhận 02 ổ dịch Cúm trên người tại Thành phố và huyện Vũ Thư; bên cạnh đó tình hình bệnh dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm diễn biến phức tạp tại các huyện, thành phố, hàng nghìn gia cầm đã phải tiêu hủy, nguy cơ cao lây truyền bệnh cúm từ gia cầm sang người luôn thường trực.
Để giúp nhân dân chủ động phòng, chống bệnh Cúm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình cung cấp đến bạn đọc những kiến thức cơ bản về bệnh Cúm để mọi người có thể phát hiện sớm bệnh Cúm và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc của bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng con người.
I.Bệnh Cúm mùa (Cúm thông thường)
1.Khái niệm
Bệnh Cúm mùa là bệnh nhiễm vi rút cấp tính đường hô hấp với biểu hiện: sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài. Có thể kèm theo các biểu hiện đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy), đặc biệt ở trẻ em.
Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.
2.Phương thức lây truyền 
Bệnh Cúm mùa là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh, có thể gây dịch và đại dịch. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí giọt nhỏ qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa vi rút cúm qua ho, hắt hơi.Vi rút vào cơ thể qua đường mũi họng.Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ.Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.
3.Điều trị
Bệnh không có thuốc chữa đặc hiệu. Hầu hết bệnh nhân Cúm  mùa chỉ cần chữa triệu chứng và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày. Dùng kháng sinh không có tác dụng đối với người mắc bệnh Cúm mùa.
4.Các biện pháp phòng, chống bệnh Cúm  mùa
4.1. Giáo dục nhân dân và nhân viên y tế về vệ sinh cá nhân, đặc biệt về đường lây truyền bệnh do ho, hắt hơi, tiếp xúc.
4.2. Biện pháp dự phòng đặc hiệu
- Tiêm phòng vắc xin là biện pháp chủ yếu đề phòng bệnh Cúm mùa và giảm ảnh hưởng của dịch Cúm.
- Có 2 loại vắc xin Cúm: vắc xin sống giảm độc lực và vắc xin bất hoạt. Cả hai loại vắc xin này đều chứa các chủng vi rút được khuyến cáo hàng năm: vi rút Cúm A(H3N2); vi rút Cúm A (H1N1); và vi rút Cúm B.
- Những người nên tiêm vắc xin Cúm hàng năm là những người có nguy cơ mắc bệnh Cúm và có nguy cơ có biến chứng cao của bệnh Cúm: Trẻ em từ 6 đến 23 tháng và những người từ 65 tuổi trở lên; Người lớn và trẻ em từ 6 tháng trở lên bị bệnh tim hoặc phổi mãn tính, hen suyễn, bệnh chuyển hóa (ví dụ bệnh tiểu đường), bệnh thận mãn tính, hoặc suy giảm hệ miễn dịch.Phụ nữ sẽ có thai trong mùa bệnh Cúm; Những người sống trong các nhà dưỡng lão,các cơ sở chăm sóc dài hạn. Những người tiếp xúc mật thiết với các bệnh nhân như cán bộ y tế, người cùng nhà với bệnh nhân...
4.3. Biện pháp chống dịch
Báo cáo cho cơ quan y tế địa phương.Trong các vụ dịch do đông bệnh nhân, nên cách ly bệnh nhân (đặc biệt là trẻ em) bị mắc Cúm vào phòng riêng trong thời gian 5-7 ngày đầu của bệnh.Dùng Amantadine hoặc Rimantadine để phòng Cúm A.
II. Bệnh Cúm gia cầm
1.Khái niệm
Bệnh Cúm gia cầm do virus cúm type A, thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra cho các loài gia cầm và chim hoang dã. Bệnh có nhiều dạng khác nhau: có dạng tỷ lệ chết rất cao, có dạng không có triệu chứng.
Virus Cúm type A có thể gây nhiễm cho gia cầm, lợn, ngựa và các loài khác kể cả con người.Virus Cúm type A có 16 subtype kháng nguyên H (Haemaglutinin) và 9 subtype kháng nguyên N (Neuraminidase). Sự kết hợp của 2 loại kháng nguyên bề mặt này tạo nên nhiều chủng virus cúm khác nhau.
2. Đường lây truyền
Người mắc virus Cúm gia cầm thường là sau khi tiếp xúc gần với gia cầm nhiễm bệnh (cả sống và chết) hoặc tiếp xúc với môi trường chứa virus cúm gia cầm. Virus cúm có nhiều trong cá thể bị bệnh. Có một số nghiên cứu cho thấy bệnh có thể lây nhiễm qua đường không khí.Tuy nhiên, chưa có bằng chứng về việc lây nhiễm từ người qua người của căn bệnh này.
3. Biểu hiện của Cúm gia cầm
Cúm gia cầm gây ra các biểu hiện ở người tương tự như của các loại Cúm khác đó là: sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ bắp, viêm kết mạc.Những trường hợp nghiêm trọng, có thể gây suy giảm hô hấp và viêm phổi, có thể dẫn đến tử vong.
4. Phòng, chống bệnh Cúm gia cầm
Mọi người không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, người dân phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương. Mỗi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể như chế độ dinh dưỡng phải được đảm bảo: ăn đủ bữa, mỗi bữa cần có đủ số lượng và chất lượng để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể. 
Biện pháp dự phòng hữu hiệu nhất để phòng chống Cúm gia cầm cho người là:
+ Vệ sinh cá nhân
+ Giữ ấm cơ thể, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ
+ Khi tiếp xúc với gia cầm phải đeo găng tay, khẩu trag
+ Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn.
+ Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp.
+ Đảm bảo nơi ở, nơi làm việc thông thoáng, sạch sẽ, nhiều ánh sáng, khí trời.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết