Các con đường lây truyền và cách phòng tránh bệnh viêm gan B và C
Các con đường lây truyền bệnh Viêm gan B và C?
Trước hết, chúng ta cần biết viêm gan B và C KHÔNG lây truyền qua đường nào.
VGB và C không lây truyền qua nước bọt, tiếp xúc tay, thức ăn hay sữa mẹ; tức là không lây truyền qua các hoạt động thường ngày như ôm hôn, ăn chung hay dùng chung dụng cụ ăn uống hay cho con bú, có nghĩa là người có viêm gan B hoặc C có thể sống an toàn trong gia đình họ và mẹ nhiễm viêm gan B, C vẫn có thể cho con bú.
Virus viêm gan B và C lưu hành trong máu và có mặt trong dịch sinh dục, có nghĩa là Viêm gan B và C có thể lây qua đường máu, qua quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con.
Đường lây truyền viêm gan B như sau:
1. Lây truyền từ mẹ sang con: Người mẹ mắc viêm gan B có nguy cơ lây truyền cho con lên tới 90% nếu không biết mình bị nhiễm và không được dự phòng phù hợp. Từ đó, 9/10 trẻ nhiễm virus VGB từ mẹ sẽ mang virus suốt đời và có nguy cơ bị xơ gan, ung thư gan, làm giảm tuổi thọ đáng kể.
2. Lây qua quan hệ tình dục: Virus VGB có thể lây từ người nhiễm sang vợ/chồng hoặc bạn tình qua quan hệ tình dục đường âm đạo hoặc hậu môn hoặc quan hệ đồng giới từ nam sang nam mà không được bảo vệ.
3. Lây qua đường máu: Viêm gan B có nguy cơ lây truyền qua đường máu rất cao khi dùng chung bơm kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải răng có máu của người VGB .., bị các vật sắc nhọn nhiễm máu của người có VGB đâm.
Do đặc điểm lây truyền lây qua đường máu, QHTD và từ mẹ sang con, mắc VGB có xu hướng tập trung vào các gia đình như mẹ và các con cùng mắc, anh chị em đều ắc do lây truyền từ mẹ, vợ chồng cùng mắc. Có gia đình khi có người xơ gan do VGB mới phát hiện ra những người khác cũng mắc VGB. Những người sinh trước năm 2003 khi chưa có vaccine VGB có nguy cơ mắc VGB cao hơn so với thời điểm sau 2003 và những người đã được tiêm phòng vaccine.
Viêm gan C cũng có các đường lây truyền tương tự như viêm gan B, nhưng nhìn chung có nhiều khả năng lây qua đường máu (dùng chung bơm, kim tiêm; dao cạo và bàn chải răng; người được truyền máu và chế phẩm máu không được sàng lọc VGC) và lây qua quan hệ tình dục, nhất là tình dục đường hậu môn. Do đó, Viêm gan C phổ biến ở những người sử dụng chung bơm kim tiêm và các dụng cụ tiêm chích; nam quan hệ tình dục đồng giới và người có nhiều bạn tình; người được truyền máu và chế phẩm máu không được sàng lọc.
Cách phòng tránh bệnh Viêm gan B và Viêm gan C?
Qua việc hiểu được các đường lây truyền như trên, chúng ta sẽ có các biện pháp dự phòng tốt nhất.
1) Để dự phòng lây truyền VGB từ mẹ sang con, người phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm phát hiện nhiễm HBV sớm nhất có thể trong thời gian mang thai. Trẻ sơ sinh phải được tiêm phòng VGB trong vòng 24h sau sinh, bất kể mẹ có nhiễm VGB hay không; và tiếp tục tiêm đủ các liều viêm gan B theo lứa tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiêm phòng vaccine là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa lây nhiễm viêm gan B ở nơi có tỷ lệ lưu hành cao như Việt Nam, giúp bảo vệ trẻ trong những năm đầu đời khỏi nguy cơ nhiễm virus và trở thành nhiễm mạn tính với tất cả các hệ lụy xơ gan và ung thư gan về sau.
Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HBV được khuyến cáo tiêm thêm “globulin/huyết thanh miễn dịch” giúp trẻ phòng ngừa được virus trước khi có miễn dịch từ vaccine. Tuy nhiên, người dân hiện rất khó tiếp cận được huyết thanh miễn dịch này do nguồn cung hạn chế và giá thành cao. Vì vậy, biện pháp dự phòng tốt nhất cho con là mẹ được phát hiện sớm viêm gan B và điều trị phù hợp.
2) Để phòng lây truyền qua QHTD và qua đường máu, người lớn cũng có thể tiêm vắc xin. Nhưng việc này chỉ hiệu quả khi họ chưa phơi nhiễm với virus. Đó là lí do vì sao chúng ta cần biết tình trạng của vợ/chồng/bạn tình. Những người vẫn đang hoạt động tình dục cũng có thể sử dụng các hình thức bảo vệ khác như bao cao su, và mọi người nên tránh dùng chung kim tiêm, dao cạo râu và bàn chải đánh răng.